Giỏ hàng
Thế nào được coi là hàng giả? Sản xuất và bán hàng giả bị xử lý như thế nào theo quy định của Pháp luật?

Date: 23-11-2018 by: Banca IP Law Firm

Thế nào được coi là hàng giả? Sản xuất và bán hàng giả bị xử lý như thế nào theo quy định của Pháp luật?

Thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay đang diễn ra vô cùng phổ biến, với quy mô ngày càng tinh vi và có xu hướng chuyên nghiệp hóa rõ rệt. Thực trạng này về cơ bản sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đời sống sinh hoạt của người tiêu dùng, đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam. Bài viết sau đây của Banca IP Law Firm sẽ phần nào giải đáp thắc mắc về vấn nạn này và những quy định của Pháp luật về hàng giả, hàng nhái.

1, Thế nào sẽ được coi là "hàng giả"?

Theo nghị định số 185/2013/NĐ-CP - QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI, SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ, HÀNG CẤM VÀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Điều 3.8 định nghĩa “Hàng giả” có các loại sau:

a) Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

b) Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

c) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

d) Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;

e) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

g) Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;

Hàng giả mạo về nhãn mác, bao bì, chỉ dẫn địa lý còn được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể:

Tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có quy định:

1. Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hoá sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này

2. Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

3. Hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.

h) Tem, nhãn, bao bì giả:

Điều 3.9 định nghĩa tem, nhãn, bao bì giả gồm "đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, các loại tem chất lượng, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa hoặc vật phẩm khác của cá nhân, tổ chức kinh doanh có chỉ dẫn giả mạo tên và địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm hàng hóa, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hóa của thương nhân khác".

2, Về các biện pháp xử lý hàng giả

a, Theo Nghị định 185/2013NĐ-CP quy định cụ thể từ điều 11 đến điều 14 về các biện pháp xử lý vi phạm hành chính về sản xuất, buôn bán hàng giả.

Xem chi tiết nội dung của các quy định này tại ĐÂY.

Nghị định 185 hy vọng là cơ sở và hành lang pháp lý hiệu quả cho các cơ quan chức năng và chủ thể quyền chống lại việc buôn bán và sản xuất hàng giả hiện nay.

b, Khi sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự như thế nào theo Bộ Luật Hình sự?

Các quy định trong Bộ luật hình sự 2015 đã được sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với tội sản xuất buôn bán hàng giả được quy định từ Điều 192-195.

Trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, nếu các cơ quan hành chính nhận thấy các hành vi vi phạm mang tính chất có quy mô lớn, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và xã hội, hay nói một cách khác có các yếu tố cấu thành tội phạm thì vụ việc sẽ được chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý theo các quy định của Bộ luật hình sự:

Xem chi tiết nội dung các quy định trên tại ĐÂY.