Giỏ hàng
Hiệp định EVFTA – cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Liên minh châu Âu

Date: 11-08-2020 by: Banca IP Law Firm

Hiệp định EVFTA – cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Liên minh châu Âu

Các doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, trong đó có các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ của EU, cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiên để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Chỉ có như vậy, các doanh nghiệp mới có thể đứng vững khi bước chân ra biển lớn, tham gia cuộc chơi chung toàn cầu.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Nhân dịp này, Ban biên tập Cổng thông tin điện tử Cục Sở hữu trí tuệ có cuộc phỏng vấn ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ về việc triển khai Hiệp định này để giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều nhất.

 

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

Thưa Cục trưởng, EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Đây là một FTA thế hệ mới, bao gồm các cam kết mang tính toàn diện, chất lượng cao, trong đó có cam kết về sở hữu trí tuệ. Cục trưởng có thể cho biết một cách tổng quát những cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định này?

Chương Sở hữu trí tuệ của EVFTA bao gồm 63 điều và hai phụ lục (Danh mục các chỉ dẫn địa lý và Danh mục nhóm sản phẩm). Nội dung chính của Chương (63 điều) bao gồm các cam kết về các nguyên tắc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phạm vi quyền sở hữu trí tuệ, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thông tin bí mật, giống cây trồng, vấn đề cạn quyền và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Nhìn chung, đa số các cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định là phù hợp với pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, Hiệp định cũng đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn pháp luật Việt Nam, trong đó có thể kể đến như bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU với mức độ bảo hộ cao như mức độ mà pháp luật Việt Nam đang bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý đối với rượu vang và rượu mạnh; phải có cơ chế đền bù thỏa đáng cho chủ sở hữu sáng chế trong trường hợp sáng chế là dược phẩm mà cơ quan nhà nước chậm trễ trong quá trình thực hiện thủ tục cấp phép lưu hành dược phẩm đó. Hầu hết các nghĩa vụ này phải thực hiện ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Các nghĩa vụ bảo hộ ở mức cao này đang được áp dụng trực tiếp theo Nghị quyết số 102/2020/QH14 của Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA và sẽ được nội luật hóa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021, thông qua vào tháng 6/2022.

 

Xin Cục trưởng cho biết một số công việc Cục Sở hữu trí tuệ đang triển khai để thực hiện EVFTA

Hiện Cục Sở hữu trí tuệ đang phối hợp với các cơ quan liên quan trong và ngoài Bộ KH&CN rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ, cụ thể là xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ như được đề cập ở trên.

Thực hiện Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 06/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện EVFTA, Cục Sở hữu trí tuệ đang phối hợp xây dựng để trình Bộ trưởng ban hành Kế hoạch của Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai nội dung sở hữu trí tuệ trong EVFTA.

Bên cạnh đó, ngay từ khi Hiệp định được ký kết, Cục Sở hữu trí tuệ đã chủ động đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA thông qua các hoạt động như: tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm cũng như triển khai các hoạt động truyền thông, quảng bá khác về các cam kết liên quan đến sở hữu trí tuệ trong EVFTA cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong cả nước.

Một trong những nội dung nổi bật của EVFTA là 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ ở Liên minh châu Âu với tiêu chuẩn cao. Theo Ông, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam?

Liên quan đến việc khai thác thị trường EU, việc 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (phần lớn là nông sản) được công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU mà không phải qua thủ tục đăng ký mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này không chỉ bảo đảm quyền đối với các chỉ dẫn địa lý dùng cho các nông sản của Việt Nam vốn đã có mặt trên thị trường này từ lâu như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột, v.v. mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho nhiều đặc sản khác như trà Mộc Châu, Tân Cương, hay vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn v.v..

Từ nhiều năm nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với một số cơ quan, đặc biệt là các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý cho các địa phương, qua đó góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại cho nông sản Việt Nam trên cả thị trường trong nước và ngoài nước.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020, năm vừa qua Chương trình đã hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý và công tác kiểm soát nguồn gốc, quản lý chất lượng và khai thác, phát triển quyền sở hữu trí tuệ sau khi được bảo hộ cho 20 sản phẩm chủ lực, đặc thù của các địa phương trong cả nước, trong đó có thể kể đến như cam Cao Phong; tôm sú Cà Mau; chuối ngự Đại Hoàng; dầu tràm Huế; gạo Điện Biên, gạo Séng Cù v.v..

Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả thị trường rộng lớn này, tận dụng cơ hội về mở cửa thị trường mà EVFTA mang lại, cần sự quan tâm sát sao hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương và nhất là của các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động và tích cực hơn trong việc tìm hiểu quy định hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU nhằm bảo đảm sản phẩm có thể vượt qua được những tiêu chuẩn đó để vào thị trường EU.

 

Nhiều doanh nghiệp đã triển khai các chương trình truy xuất nguồn gốc trên nông sản, đặc biệt với những mặt hàng có tiềm năng trao đổi với thị trường EU

Vậy thưa Cục trưởng, cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp khi EVFTA có hiệu lực là gì?

Hiệp định EVFTA được kỳ vọng là sẽ đáp ứng nhu cầu bảo hộ của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Việc thi hành các nghĩa vụ theo Hiệp định sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp Việt Nam có thể xác lập và bảo vệ thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo, từ sáng tạo đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì đến nhãn hiệu sản phẩm và dịch vụ một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Điều này sẽ có nhiều tác động tích cực đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cũng như thương mại của Việt Nam.

Về đầu tư: Tôi tin rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, môi trường kinh doanh nói chung ngày càng tốt lên (trong đó có sự tin tưởng ngày càng cao của các đối tác nước ngoài về việc bảo hộ các tài sản trí tuệ tại Việt Nam), đáp ứng các điều kiện của các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã ký kết, chúng ta sẽ thu hút được các nguồn vốn FDI chất lượng cao, với trình độ công nghệ tiên tiến. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp nhận chuyển giao các công nghệ tiên tiến từ châu Âu để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp. 

Về thương mại: Hiệp định mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường các nước EU. Tuy nhiên, để khai thác được thị trường rộng lớn này, các doanh nghiệp cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, trong đó có các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ của EU, cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiên để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Chỉ có như vậy, các doanh nghiệp mới có thể đứng vững khi bước chân ra biển lớn, tham gia cuộc chơi chung toàn cầu.

Vâng, xin cảm ơn Cục trưởng./.

 Nguồn: IP Vietnam