Giỏ hàng
CÁC NỘI DUNG CHÍNH CỦA LUẬT SHTT SỬA ĐỔI 2022 - PHẦN 2 - KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP –

Date: 09-08-2022 by: Banca IP Law Firm

CÁC NỘI DUNG CHÍNH CỦA LUẬT SHTT SỬA ĐỔI 2022 - PHẦN 2 - KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP –

Tiếp theo các thay đổi trong các quy định về Nhãn hiệu ở phần 1, nội dung bài viết này sẽ tập trung vào các thay đổi về Kiểu dáng công nghiệp được ghi nhận trong Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung 2022 (sau đây gọi ngắn gọn là Luật mới), bao gồm:

1. Khái niệm Kiểu dáng công nghiệp:

Tại khoản 13 Điều 4 của Luật mới, định nghĩa về KDCN đã được bổ sung thêm dấu hiệu được bảo hộ không chỉ là hình dáng bên ngoài của sản phẩm mà còn là các bộ phận của kiểu dáng để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp mà nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng. Sự bổ sung này nhằm thi hành nghĩa vụ tại Điều 12.35 Hiệp định EVFTA về bảo hộ một phần/bộ phận của một sản phẩm phức hợp hoàn chỉnh và xác định rõ phạm vi bảo hộ KDCN.

2. Yêu cầu đối với đơn đăng ký KDCN (Điều 103):

Trong Luật mới, Điều 103 đã nhấn mạnh về thành phần của đơn là bao gồm bộ ảnh chụp và bản vẽ về các đặc điểm tạo dáng của KDCN hơn là thành phần bản mô tả như trong các quy định cũ. Như vậy, đơn đăng ký đã thể hiện được bản chất KDCN đó là các đặc điểm tạo dáng được thể hiện bằng các ảnh chụp và/hoặc hình vẽ hơn là qua sự mô tả của người nộp đơn để xác định phạm vi bảo hộ.

3. Công bố đơn đăng ký KDCN (Điều 110)

Tại Điều 110 của Luật mới, nội dung Khoản 3 đã được bổ sung thêm nội dung trì hoãn công bố đơn đối với đơn KDCN để phù hợp với xu thế chung của thế giới về việc cho phép chủ đơn không phải bộc lộ kiểu dáng quá sớm (do dễ bị bắt chước) để có thời gian chuẩn bị trước khi chính thức đưa sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp ra thị trường, cụ thể:

Điều 110.3. Đơn đăng ký KDCN, đơn đăng ký nhãn hiệu, đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được công bố trong thời hạn hai tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ. Đơn đăng ký KDCN có thể được công bố vào thời điểm muộn hơn theo yêu cầu của người nộp đơn tại thời điểm nộp đơn nhưng không quá bảy tháng kể từ ngày nộp đơn.

Ngoài các điểm nêu trên, Luật mới còn có một số điểm sửa đổi như: xác định chủ sở hữu đối tượng KDCN, hiệu lực của văn bằng bảo hộ, chấm dứt hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực đối với đơn KDCN quốc tế nhằm phù hợp với Thoả ước quốc tế La Hay mà Việt Nam mới tham gia.

Trên đây là tóm tắt các quy định riêng liên quan đến KDCN trong Luật mới. Tuy nhiên, KDCN cũng là một trong các đối tượng của sở hữu công nghiệp, do đó, ngoài những điều khoản được nêu ở trên, KDCN cũng tuân theo các điều khoản khác được quy định cho các đối tượng sở hữu công nghiệp nói chung.