Giỏ hàng
Topic 3: Có nên sửa đổi Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ?

Date: 26-08-2021 by: Banca IP Law Firm

Topic 3: Có nên sửa đổi Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ?

Điều 211 Luật SHTT có cần phải sửa đổi không?

Trong tháng 8 vừa qua, vì là 1 thành viên của VIPA (Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam – Vietnam Intellectual Property Association), chúng tôi có nhận được lời mời góp ý về việc sửa đổi Điều 211.1 Luật SHTT. Trong thời gian tới, chính phủ Việt Nam sẽ hoàn thiện tờ trình Dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ để trình Quốc hội thông qua. Nội dung quy định tại Điều 211.1 của Luật SHTT là một vấn đề nổi cộm trong xử lý xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam. Đây là một vấn đề rất đặc thù, có thể chỉ Việt Nam mới có, gây không ít sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Điều 211.1 Luật SHTT hiện nay đang quy định như sau:

“1. Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt hành chính:

a) Thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội;

b) Không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mặc dù đã được chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thông báo bằng văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi đó;

c) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;

d) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán vật mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

Có 2 phương án được đưa ra để các luật sư lựa chọn:

Phương án 1: “Điều 211.1.a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội”

Phương án 2: giữ nguyên quy định hiện hành

 

 

Tại sao vấn đề này cần phải đặt ra?

Thứ nhất, bản chất của quyền SHTT là các quyền sở hữu tư nhân (sở hữu của cá nhân/thể nhân hoặc pháp nhân). Theo đó, các tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT là tranh chấp hầu hết mang tính tư hữu (giữa các cá nhân và tổ chức với nhau), trừ các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp sản phẩm có thể gây ảnh hưởng tới lợi ích và trật tự công cộng. Do đó, các tranh chấp về quyền SHTT, với tư cách qua tranh chấp quyền tư hữu, nên được giải quyết bằng biện pháp dân sự (thông qua Tòa án/hệ thống tư pháp) thì đúng bản chất quan hệ pháp lý hơn là xử lý bằng biện pháp hành chính với mục đích bảo vệ trật tự công, lợi ích chung của xã hội.

Thứ hai, việc chọn biện pháp giải quyết tranh chấp chính về SHTT là biện pháp tư pháp (Tòa án), chọn phương án thu hẹp phạm vi áp dụng biện pháp hành chính, trong việc thực thi quyền SHTT sẽ tạo cơ sở pháp lý và cơ hội để đầu tư, nâng cấp cho hệ thống Tòa án về cơ sở vật chất cũng như nâng cao trình độ chuyên môn về SHTT cho Tòa án, cho các thẩm phán xét xử về tranh chấp quyền SHTT. Đồng thời, việc chọn biện pháp dân sự là biện pháp thực thi quyền SHTT chủ yếu cùng là cơ hộ để nâng cao năng lực và hiệu quả của các cơ quan giám định tư pháp về SHTT cũng như của hệ thống các cơ quan thi hành án. Đây được coi là giải pháp phù hợp với thông lệ thực thi quyền SHTT ở các nước trên thế giới, đặc biệt là phù hợp và mang tính tương thích với hệ thống thực thi của các quốc gia thuộc Hiệp ước CPTPP và Hiệp ước EVFTA mà Việt Nam là thành viên. Nếu không thu hẹp phạm vi xử lý hành vi xâm phạm đối với các đối tượng của quyền SHTT thì Tòa án sẽ ít có cơ hội để xử lý các vụ án tranh chấp quyền SHTT như thực trạng hiện nay (khoảng 5-6% trên tổng số các vụ tranh chấp quyền SHTT) thì trình độ chuyên môn của các Thẩm phán về SHTT chưa cao là điều tất yếu và logic. Ngoài ra, vì số lượng các vụ việc giải quyết bằng biện pháp dân sự, qua Tòa án, quá thấp cũng là nguyên nhân chính khiến chưa thể thành lập Tòa án chuyên trách (chuyên xét xử) về quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Thứ ba, khi giải quyết tranh chấp quyền SHTT bằng biện pháp dân sự (thông qua Tòa án) thì hai bên chủ thể có sự cân bằng vị thế. Đồng thời, nâng cao vị thế và vai trò của Luật sư và Người Đại diện SHCN trong các vụ việc thực thi quyền SHTT. Khi phần lớn các vụ thực thi quyền SHTT được giải quyết bằng biện pháp hành chính như hiện nay, thì quan điểm của Cơ quan nhà nước mang tính chất chủ quan và áp đặt, vai trò của Luật sư và Người Đại diện SHCN không được phát huy tối đa.

Thứ tư, giải quyết tranh chấp quyền SHTT bằng biện pháp hành chính không phải là biện pháp xử lý triệt để và chưa hiệu quả, có tính răn đe chưa cao. Các quyết định xử lý vi phạm hành chính về quyền SHTT vẫn có thể bị kiện ra Tòa án hành chính khác và bản án của Tòa mới là quyết định cuối cùng. Các mức phí phạt theo biện pháp hành chính thường là thấp, bên xâm phạm quyền vẫn có thể tiếp tục vi phạm. Đồng thời xử lý theo biện pháp hành chính không có cơ chế bồi thường thiệt hại cho thủ thể quyền và bồi hoàn các chi phí cũng như thiệt hại khác cho bên yêu cầu (hoặc chủ thể quyền bị xâm phạm).  

Ý kiến của đa số luật sư SHTT – thành viên của VIPA là gì?

Đó là ủng hộ Phương án 2: giữ nguyên quy định hiện hành nhưng bỏ cụm từ “gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội”. Và sau đây là các lý do chính:

Thứ nhất, cần duy trì biện pháp hành chính như là một sự lựa chọn cho chủ thể quyền. Điều 199 Luật SHTT đã quy định, các hành vi xâm phạm quyền SHTT có thể bị xử lý bằng các biện pháp: hành chính, dân sự, hình sự. Như vậy, các chủ thể quyền có nhiều sự lựa chọn để bảo vệ quyền của mình. Tuy nhiên, trên thực tế các biện pháp dân sự và hình sự được áp dụng rất ít, bởi có nhiều rào cản. Do đó, nếu loại bỏ hoặc hạn chế biện pháp hành chính thì vô hình chung đã giới hạn quyền của chủ thể quyền và loại bỏ biện pháp đang được coi là hiệu quả nhất trong việc áp dụng xử lý xâm phạm quyền hiện nay tại Việt Nam. Hơn nữa, việc duy trì biện pháp hành chính trong xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT không trái với các Hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia như TRIPS, EVFTA, CPTPP, v.v…khi các Hiệp định quốc tế đều cho phép các quốc gia lựa chọn biện pháp thực thi quyền thích hợp nhưng phải đảm bảo có có đầy đủ quy định trong hệ thống pháp luật quốc gia của mình.

Thứ hai, xét về mặt hiệu quả, biện pháp hành chính đang dẫn đầu. Về thời gian, biện pháp hành chính kéo dài 1-2 tháng với chi phí thấp, trong khi biện pháp dân sự kéo dài 2-6 năm với nhiều chi phí phát sinh, và biện pháp hình sự kéo dài 6-12 tháng và cũng phát sinh nhiều chi phí. Trình độ của các cán bộ xử lý trong bộ máy hành chính đã được nâng cao trong khi các Thẩm phán tại Tòa án còn rất ít kinh nghiệm. Khi nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm, hồ sơ nộp tại các cơ quan hành chính thủ tục đơn giản hơn các hồ sơ nộp tại Tòa án. Đồng thời, tính khẩn cấp khi áp dụng biện pháp hành chính được nhanh chóng hơn, tránh tẩu tán hàng hóa xâm phạm quyền. Trong khi đó, biện pháp khẩn cấp tạm thời hầu như chưa bao giờ được Tòa án áp dụng.

Thứ ba, việc áp dụng biện pháp dân sự của Tóa án đối với các vụ việc xâm phạm quyền SHTT trong tương lai gần là không khả thi. Trong năm 2020, có khoảng 1700 vụ xâm phạm quyền SHTT bị phát hiện và xử lý, trong khi đó Tòa án chỉ giải quyết dưới 10 vụ. Nếu hàng năm Tòa án đột ngột đón nhận thêm hàng trăm vụ xâm phạm quyền SHTT sẽ không tránh khỏi thiếu nhân lực, tắc nghẽn, sai sót, thời gian xử lý còn dài hơn nữa, từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế xã hội nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng.

Thứ tư, việc loại bỏ “gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội” là cần thiết bởi lẽ có rất nhiều loại thiệt hại: tinh thần, thể chất, kinh tế, tài chính, tài sản v.v….Việc xác định thiệt hại rất khó, mang định tính, tốn kém chi phí, gây cản trở việc thực thi quyền đối với chủ thể quyền.

Ban điều hành VIPA đã tổng hợp ý kiến các luật sư và gửi văn bản đến Chính phủ với nội dung sau:

Yêu cầu sửa đổi Điều 211 như sau:

Điều 211. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính

1. Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt hành chính:

a) Thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội;

b) Không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mặc dù đã được chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thông báo bằng văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi đó;

c) Sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu ( bổ sung để phù hợp với EVFTA), vận chuyển, buôn bán hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;

d) Sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu ( bổ sung để phù hợp với EVFTA), vận chuyển, buôn bán vật mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

Hoặc nếu bắt buộc phải sửa theo Phương án 1, thì:

Điều 211. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính

1. Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt hành chính:

a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp, tên miền (bổ sung đối tượng) gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội”

b) Không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mặc dù đã được chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thông báo bằng văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi đó;

c) Sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu ( bổ sung để phù hợp với EVFTA), vận chuyển, buôn bán hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;

d) Sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu ( bổ sung để phù hợp với EVFTA), vận chuyển, buôn bán vật mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

Chúng tôi sẽ cập nhật văn bản sửa đổi luật SHTT sau khi Quốc hội thông qua.

Nguồn trích dẫn ý kiến từ các luật sư SHTT – thành viên VIPA