Giỏ hàng
Câu chuyện xử lý xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ điển hình (Phần 1)

Date: 17-02-2021 by: Banca IP Law Firm

Câu chuyện xử lý xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ điển hình (Phần 1)

Nhà sản xuất – Nhà nhập khẩu (hoặc Nhà Phân Phối) là một mối quan hệ thương mại cộng sinh không thể thiếu trong kinh doanh toàn cầu. Trước khi hợp tác làm ăn, chắc chắn các bên đã có rất nhiều thỏa thuận để thể hiện ý chí của mình trong mối quan hệ thương mại. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động kinh doanh vẫn có vô vàn các trường hợp vi phạm xảy ra bất chấp các bên có điều khoản ràng buộc hay không. Đặc biệt trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, việc xâm phạm quyền diễn ra ngày càng phổ biến. Dưới đây là một trường hợp điển hình về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà các nhà sản xuất nước ngoài nên đặc biệt lưu ý khi kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Từ tháng 10/2013 đến nay, Công ty Cổ phần XXX Việt Nam - Germany (Công ty VG) là nhà nhập khẩu độc quyền của R**melsbacher GmbH (R**melsbacher Đức) đối với các sản phẩm mang nhãn hiệu “R**MELSBACHER”. Tại thời điểm năm 2013, ông Đặng Đức T. là Giám đốc điều hành của Công ty VG, chịu trách nhiệm thay mặt Công ty để làm việc với R**melsbacher Đức về các vấn đề liên quan đến các sản phẩm này. Lợi dụng vị trí công tác của mình, Ông T. đã để vợ là bà Nguyễn Thị Kh. (bà Kh.) làm thủ tục để Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu “R**MELSBACHER” đứng tên bà Kh.

Khi nhãn hiệu “R**MELSBACHER” được bảo hộ, ông T. bà Kh. không tiếp tục làm việc cho Công ty VG và thành lập Công ty Cổ phần XX Việt Nam - Đức (Công ty Việt - Đức) để kinh doanh các sản phẩm bếp giả mạo nhãn hiệu “R**MELSBACHER”. Cụ thể, Công ty Việt Đức nhập khẩu hàng giả từ Trung Quốc, gắn chữ “Germany” vào bên dưới chữ “R**MELSBACHER”, dán nhãn thể hiện thông tin người sản xuất là R**melsbacher Đức ở phía sau sản phẩm và trên bề mặt cũng như vỏ bao bì sản phẩm được trình bày bằng tiếng Đức để lừa dối người tiêu dùng rằng đây đúng là sản phẩm của R**melsbacher Đức. Sau đó, Công ty Việt - Đức trà trộn các sản phẩm giả mạo này vào hệ thống phân phối hàng của Công ty VG để bán với giá rẻ và chiết khấu cao hơn, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm chính hãng của R**melsbacher Đức.

Đối với sự việc này, chúng tôi đã tư vấn R**melsbacher GmbH phải tiến hành hai việc để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình đó là Hủy bỏ hiệu lực đối với Nhãn hiệu “R**MELSBACHER” và yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý hành vi kinh doanh sản phẩm giả mạo của Công ty Việt - Đức để bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, các vụ việc như thế này không dễ dàng xử lý bởi lẽ bộ máy thực thi quyền mặc dù đã tiến bộ rất nhiều trong những năm gần đây nhưng so với các nước phát triển thì vẫn còn yếu. Tương tự, các quy trình liên quan đến việc hủy bỏ hiệu lực quyền SHTT tại Cục SHTT cũng mất nhiều thời gian và không biết lúc nào mới có kết quả.

Ngày 11/07/2016, chúng tôi thay mặt R**melsbacher GmbH đã nộp đơn số ĐN1-2016-00185 đề nghị hủy bỏ hiệu lực đối với Nhãn hiệu “R**MELSBACHER” được bảo hộ theo văn bằng số 248484. Song song với công việc hủy bỏ hiệu lực, chúng tôi đã yêu cầu Cơ quan quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra và xử lý hành vi kinh doanh hàng giả của Công ty Việt - Đức và được chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn 1, ngày 27/12/2016, Cơ quan Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra tại Kho hàng đồng thời là trụ sở của Công ty Việt - Đức tại địa chỉ số 1283 Đường Giải Phóng. Kết quả kiểm tra cụ thể như sau:

  • Chỉ riêng đối với lô hàng nhập ngày 05/07/2016, Công ty Việt - Đức đã nhập khẩu 820 chiếc bếp điện từ đôi, bếp dương R**MELSBACHER từ Trung Quốc với tổng giá trị lên đến gần 1,4 tỷ đồng (tương đương khoảng 60,000USD). Và hiện nay, số hàng trên đã tiêu thụ gần hết;
  • Tại thời điểm kiểm tra, Công ty Việt - Đức đang dán nhãn ghi tên và địa chỉ của R**melsbacher Đức lên trên 06 chiếc bếp serie CT3410/IN được nhập khẩu từ H** Electronics and Electrical Co Ltd (Trung Quốc);
  • Trong kho còn có 192 chiếc nhãn có chứa thông tin giả mạo, tương tự những nhãn đã được dán lên 06 bếp nêu trên.

Cơ quan quản lý thị trường Hà Nội đã khẳng định rằng Công ty Việt - Đức đã có hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo và ra Quyết định xử phạt Công ty Việt - Đức với số tiền 23.000.000 VNĐ và buộc Công ty này loại bỏ toàn bộ phần có chứa các thông tin giả mạo ra khỏi sản phẩm.

Giai đoạn 2, mặc dù đã bị xử phạt từ trước nhưng Công ty Việt - Đức vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm ở mức độ cao hơn, quy mô lớn hơn. Đầu năm 2018, chúng tôi tiếp tục yêu cầu Cơ quan quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra và xử lý đối với hành vi kinh doanh hàng giả tại hai địa chỉ: (i) kho của của Công ty Việt - Đức tại số 1283, đường Giải Phóng, Phường Hoàng Liệt, Quận Hoàng Mai, Hà Nội. và (ii) cửa hàng kinh doanh đồ bếp, tại địa chỉ: Số 223 phố Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, HN. 

Kết quả kiểm tra cụ thể như sau:

  • Tại kho hàng của Công ty Việt - Đức: giá trị hàng hóa vi phạm là 750 triệu đồng (tương ứng với 270 bếp điện từ nhãn hiệu R**MELSBACHER mã CT3410/IN);
  • Tại Cửa hàng trên phố Đội Cấn: giá trị hàng hóa vi phạm là 60 triệu đồng;

Cơ quan quản lý thị trường Hà Nội đã khẳng định rằng Công ty Việt - Đức đã có hành vi kinh doanh hàng hóa là bếp điện từ có nhãn hàng hóa giả mạo tên và địa chỉ thương nhân và ra Quyết định xử phạt Công ty Việt - Đức với số tiền 45.000.000 VNĐ, xử phạt Cửa hàng ở Đội Cấn là 22.500.000VNĐ và buộc các đối tượng xâm phạm loại bỏ toàn bộ phần có chứa các thông tin giả mạo ra khỏi sản phẩm.

Đến ngày 24/04/2018, Cục SHTT mới ban hành Quyết định số 1191/QĐ-SHTT về việc hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNH số 248484.

Từ sự việc trên, bài học rút ra đó là sở hữu trí tuệ không phải là công cụ duy nhất để thực hiện việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền tại Việt Nam.

Trong trường hợp này, Công ty Việt - Đức kinh doanh các sản phẩm bếp từ có gắn tên và địa chỉ của Công ty R**melbacher (Đức). Hơn nữa, trên tờ “Hướng dẫn sử dụng” được gửi kèm trong mỗi sản phẩm bếp CT3410/IN, phần nội dung, bao gồm cả tên và địa chỉ “Công ty R**MELSBACHER” đều bị phía Công ty Việt - Đức sử dụng nội dung giống như của sản phẩm chính hãng.

Vào thời điểm xử lý, theo quy định tại Điều 3.8.đ, Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 15/09/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ, “hàng giả” là “Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại … của thương nhân khác”

Như vậy, vào thời điểm xử lý, do R**melsbacher (Đức) không có quyền đối với nhãn hiệu “R**MELSBACHER, hình” (do việc hủy bỏ hiệu lực chưa thành công), chúng tôi đã hỗ trợ khách hàng xử lý hành vi xâm phạm bằng các quy định liên quan đến hàng hóa giả mạo.

Ngoài ra, với lượng hàng hóa thu được của Công ty Việt - Đức, chúng tôi hoàn toàn có căn cứ để yêu cầu xử lý hình sự (yêu cầu ban đầu).

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, cần thúc đẩy nhanh quá trình hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu tại Cục SHTT, nên chúng tôi đã tư vấn khách hàng, thỏa thuận với đại diện của Công ty Việt -Đức, rằng chúng tôi sẽ đề nghị Cơ quan chức năng chỉ xử lý hành chính nếu Bà Kh. tự nguyện rút GCNĐKNH số 248484, để Công ty R**MELSBACHER trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu “R**MELSBACHER, hình” tại Việt Nam.

Công ty Sở hữu Trí tuệ BANCA - 15B Triệu Việt Vương, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Vui lòng nói rõ Quý công ty biết tới chúng tôi qua bài viết này khi email tới: mailbox@bancavip.com

Hotline: 0243 9433 007 / 008

Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng thông tin từ bài viết này của Banca IP Law Firm!

BANCA IP LAW FIRM - Giải pháp cho mọi vấn đề liên quan đến xác lập và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam!