Giỏ hàng
Chặn

Date: 20-11-2020 by: Banca IP Law Firm

Chặn "thiên đường" hàng giả trên chợ online

Nguồn: VnEconomyThiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý trong một số khâu: thanh toán, giao hàng, kiểm tra tính hợp pháp và chất lượng món hàng... nên mua bán hàng trực tuyến đã có lúc trở thành "thiên đường" của hàng nhái, hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng... mà cơ quan chức năng chưa có biện pháp khả thi, rốt ráo để kiểm tra và xử phạt.

Con số thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 2.403 vụ việc, xử lý 2.213 vụ việc vi phạm, xử phạt 16.382.372.000 đồng, trị giá hàng vi phạm 40.625.465.000 đồng; bao gồm những hành vi vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả.

Điển hình, ngày 18/3/2020, Tổ công tác 368 (gồm Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng một số cục quản lý thị trường tại địa phương) đã tiến hành phối hợp với Cục Quản lý thị trường Tp.HCM xác minh thông tin, kiểm tra đối với chuỗi các cửa hàng mang tên Ansan Cosmetics chuyên kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên địa bàn Tp.HCM. 

Tổng đơn vị sản phẩm tại 4 cửa hàng, điểm kinh doanh nêu trên là 7.678 đơn vị sản phẩm các loại, tổng giá trị hàng hoá theo giá niêm yết là 822.980.000 đồng. Tất cả số hàng hóa này đều có xuất xứ nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam và có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. 

Vụ việc kiểm tra các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ TS Việt Nam, trị giá hàng hóa vi phạm gần 11 tỷ đồng. Hay việc kiểm tra các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tại Cơ sở kinh doanh Thanh Mộc Hương tại Hà Nội, số hàng tạm giữ gần 10.000 sản phẩm, trị giá khoảng 2 tỷ đồng. 

Gần đây nhất, ngày 12/11/2020, qua công tác nghiên cứu, nắm bắt thông tin về hoạt động kinh doanh hàng hóa trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) và triển khai biện pháp nghiệp vụ giám sát đối tượng có dấu hiệu vi phạm, Đội Quản lý thị trường số 2 Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương đã kiểm tra, phát hiện gần 3.000 sản phẩm mỹ phẩm, hàng gia dụng nhập lậu "ba không": không nhãn phụ, không hóa đơn chứng từ, không khai báo hải quan, kiểm soát ở khâu nhập khẩu...

KHÔNG DỄ QUẢN LÝ

Với hàng loạt các vụ việc lợi dụng mạng xã hội, các trang thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng... trong thời gian gần đây đã cho thấy những lỗ hổng, hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội, trang thương mại điện tử cũng như rủi ro của người tiêu dùng khi giao dịch thông qua hình thức này. Trong khi đó, công tác điều tra, phát hiện vi phạm trên mạng gặp rất nhiều hạn chế. 

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý các hoạt động kinh doanh trực tuyến hiện nay là do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng. 

Hơn nữa, các trường hợp vi phạm rõ ràng (bắt quả tang) chưa có biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn, xử lý kịp thời mà vẫn phải thông qua nhiều quy trình phức tạp như xác minh chủ thể đăng ký, chủ sở hữu trang web, xác minh giao dịch với sàn thương mại điện tử, kiểm tra, lập biên bản vi phạm....

Cùng với đó, việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn. Các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng và vô hình; không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này (nếu là hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn.  

Ngoài ra, ông Linh cho rằng, trên nhiều trang web bán hàng hoặc qua mạng xã hội thường không ghi địa chỉ cụ thể, chỉ có điện thoại để giao dịch. Khi có khách hỏi mua hàng, bên bán sẽ hỏi địa chỉ để giao nhận hàng hóa, thanh toán tại nhà. Hoàn toàn người mua không biết người bán là ai, sản phẩm như thế nào. Các đối tượng khi có người lạ dò hỏi xem hàng thì thường không trả lời. Bên cạnh đó, vì là không gian, địa chỉ ảo trên mạng internet nên dễ dàng gỡ bỏ thông tin nhằm xóa dấu vết, gây cản trở việc thu thập chứng cứ, chứng minh vi phạm.

Khó khăn nữa là các đối tượng kinh doanh hàng hóa vi phạm thường có quy mô nhỏ lẻ (không có sẵn hàng hoặc cất giấu hàng ngay tại chỗ ở) nên rất khó phát hiện, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Hiện nay qua nhiều trường hợp phát hiện, các đối tượng thường thuê các căn hộ chung cư vừa làm nhà ở, vừa làm điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa. Các khu vực này thường có an ninh, bảo mật cao gây khó khăn cho công tác tiếp cận, trinh sát. Khi có sự phối hợp của chính quyền địa phương kiểm tra các điểm này thì các đối tượng thường có biểu hiện chống đối hoặc giải thích hàng hóa tập kết với nhu cầu sử dụng, tặng cho, không phải mục đích kinh doanh, không chấp nhận xử lý.

Không chỉ vậy, việc tham gia của các doanh nghiệp có thương hiệu được bảo hộ hoặc chủ thể quyền còn hạn chế, đặc biệt là đối với các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài (chẳng hạn như nhiều loại hàng hóa nước ngoài không phân phối chính hãng, không có văn phòng đại diện tại Việt Nam).  

Các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và rất khó kiểm soát. Một số đối tượng lập các website thương mại điện tử, mạng xã hội với nội dung thông tin y hệt các website, địa chỉ của các cơ sở có uy tín khác khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn (chỉ khác về cách thức thanh toán, liên hệ giao dịch). 

"Những trang mạng này còn sử dụng trái phép hình ảnh của nghệ sỹ, người nổi tiếng để quảng bá các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... do mình tự sản xuất, gia công rồi sử dụng các mạng xã hội (Facebook, Zalo...), chào bán qua các website thương mại điện tử nhưng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước nên chỉ khi lực lượng quản lý thị trường xác minh, kiểm tra theo phản ánh của báo chí, truyền thông hoặc của người tiêu dùng, qua các trang mạng xã hội mới bị phát hiện và xử lý", ông Linh cho hay.

SỬA ĐỔI CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

Đánh giá về tính pháp lý trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về thương mại điện tử, ông Linh cho rằng, cùng với sự đổi mới liên tục của công nghệ, hoạt động thương mại điện tử cũng là lĩnh vực chịu nhiều tác động và thay đổi nhanh chóng nhất. Theo đó, các hành vi vi phạm về thương mại điện tử ngày càng diễn ra tinh vi, hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức và một số mô hình hoạt động thương mại điện tử mới đã và đang đặt ra yêu cầu mới đối với cơ quan quản lý nhà nước...

Trên thực tế, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP đã được xây dựng khá chi tiết và đáp ứng tốt yêu cầu của công tác quản lý, nhưng theo ông Linh, thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh và liên tục, đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh. Điều này được kỳ vọng ở Nghị định sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang chủ trì xây dựng. 

Một điểm đáng lưu ý là hiện nay, các đối tượng buôn lậu, bán hàng giả đang lợi dụng và khai thác triệt để việc vận chuyển hàng thông qua các công ty bưu chính, chuyển phát để đưa hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, tạm giữ rất nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu được vận chuyển qua kênh này. Do đó, Tổng cục Quản lý thị trường kiến nghị, cần có sửa đổi gấp các quy định pháp luật có liên quan để phòng, chống việc lợi dụng kênh chuyển phát để bán hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử.

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cũng đề nghị có cơ quan chuyên môn làm đầu mối điều phối việc cung cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả trên môi trường thương mại điện tử. Trong đó, cần áp dụng biện pháp công nghệ để cung cấp, chia sẻ, sử dụng, khai thác thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng chống gian lận thương mại, hàng giả. Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm. 

Cùng với đó, tăng cường quản lý các sàn thương mại điện tử: cần quy định sàn thương mại điện tử và người bán hàng trên sàn thương mại điện tử phải thống kê, lưu giữ tất cả các giao dịch trên hệ thống để phục vụ việc truy xuất các giao dịch và nguồn gốc hàng hóa. Ứng dụng triệt để hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan quản lý thuế để có thể tiến hành thẩm tra, xác minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa được bày bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc website thương mại điện tử. Đối với các vi phạm rõ ràng, các cơ quan thực thi cần phải có công cụ trực tuyến khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời và lưu giữ chứng cứ vi phạm (chẳng hạn như tạm thời đóng, ngưng trang web, tên miền, app trên di động,...).

NGƯỜI MUA KHÔNG NGOÀI CUỘC

Dưới góc độ cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, Cục Canh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho rằng, chống hàng giả trên mua bán trực tuyến không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn từ sự chủ động của người tiêu dùng. Người tiêu dùng cần chủ động trang bị các kỹ năng mua hàng trên mạng, không bị lóa mắt bởi những khuyến mãi ảo mà người bán bày ra, cảnh giác cao độ với những chào bán bám đuổi trên các thiết bị điện tử. 

Bản thân người tiêu dùng cũng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ,... là việc làm rất cần thiết. Điều này không chỉ để bảo vệ quyền và lợi ích của mình mà còn bảo vệ sự phát triển của hoạt động sản xuất, kinh doanh, chống lại các hành vi phá hoại, kìm hãm sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế. 

Ông Linh nhấn mạnh, cần phải thiết lập một mối quan hệ hữu cơ do cơ quan quản lý nhà nước giám sát để điều phối hài hòa các mối quan hệ và lợi ích của các bên. Kịp thời phát hiện, tố cáo, phản ánh các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa vi phạm pháp luật và của công chức khi thực thi công vụ có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm để đưa ra xử lý công khai. Không vì lợi ích nhỏ trước mắt mà bị lôi kéo, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.

Theo Cục Canh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, hiện nay, các ứng dụng thương mại điện tử, các website thương mại điện tử uy tín đã được thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, người mua cần tìm hiểu để biết chính xác, tránh mua trên các web giả mạo. 

Khi nhận hàng hoá phải xem xét kỹ hàng hóa có chất lượng, có nhãn hàng hóa hoặc các tài liệu có liên quan kèm theo hàng hóa phải có đầy đủ thông tin theo quy định, đặc biệt là thông tin của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá. Khi có thực hiện giao dịch mua bán hàng hoá phải có các giấy tờ, chứng từ chứng minh việc giao dịch. Người tiêu dùng phải kịp thời thông tin, tố giác đến các cơ quan chức năng các trường hợp mua bán hàng hóa qua mạng vi phạm các quy định của pháp luật để kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.