Giỏ hàng
Khó sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ để thế chấp vay vốn - Vì sao?

Date: 11-05-2021 by: Banca IP Law Firm

Khó sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ để thế chấp vay vốn - Vì sao?

VTV.vn - Mặc dù pháp luật hiện hành cho phép được sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để vay vốn nhưng trên thực tế các doanh nghiệp khó vay vốn bằng loại tài sản này.

Theo quy định trong Bộ luật dân sự và Nghị định 163/2006 của Chính phủ, tài sản đảm bảo có thể là quyền tài sản với quyền sở hữu trí tuệ, hay quyền sử dụng đất. Có nghĩa là có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ như một tài sản thế chấp để vay vốn. Quy định đã có nhưng thực tế các doanh nghiệp khó có thể vay được vốn theo cách này.

Phía ngân hàng cho biết, việc thế chấp đối với quyền sở hữu trí tuệ tại các tổ chức tín dụng vẫn còn nhiều hạn chế bởi đây là tài sản vô hình, trong trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ, ngân hàng sẽ khó có thể bán được bằng sáng chế đó cho bên thứ 3.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước: "Hiện nay việc định đoạt tài sản gặp rất nhiều khó khăn do chưa có những cơ quan có khả năng đánh giá, định giá tài sản thế chấp bằng sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, việc xử lý tài sản đối với những tài sản thuộc sở hữu trí tuệ là một chuỗi giá trị của doanh nghiệp, do đó khi thực hiện xử lý các tài sản trí tuệ, ngân hàng, tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc tách tài sản là đảm bảo sở hữu trí tuệ để xử lý tài sản".

"Lý do chính là quy định pháp lý thiếu nhất quán. Nếu như bây giờ tổ chức tín dụng cho vay với tài sản đảm bảo như vậy nhưng khi ra tòa không được công nhận thì rủi ro đẩy về tổ chức tín dụng", ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn Tài chính Tiền tệ Quốc gia nói.

Để khắc phục bất cập về định giá quyền sở hữu trí tuệ, nhiều ý kiến cho rằng cần có các tổ chức định giá chuyên nghiệp. Đặc biệt, các quyền sở hữu trí tuệ phải được đứng đằng sau là các doanh nghiệp để biến các sáng chế thành sản phẩm, dịch vụ thương mại mới có khả năng vay vốn, có thể thông qua ngân hàng hay các quỹ đầu tư.

Nguồn: vtv.vn