Giỏ hàng
CÁC NỘI DUNG CHÍNH CỦA LUẬT SHTT SỬA ĐỔI 2022  - PHẦN 3 – SÁNG CHẾ VÀ GIẢI PHÁP HỮU ÍCH –

Date: 18-08-2022 by: Banca IP Law Firm

CÁC NỘI DUNG CHÍNH CỦA LUẬT SHTT SỬA ĐỔI 2022 - PHẦN 3 – SÁNG CHẾ VÀ GIẢI PHÁP HỮU ÍCH –

Liên quan đến Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung 2022 được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022 (sau đây gọi ngắn gọn là Luật mới), trong các bài viết trước, Banca đã giới thiệu các thay đổi trong trong các quy định về Nhãn hiệu (Phần 1), Kiểu dáng công nghiệp (Phần 2). Tại bài viết này, Banca sẽ tập trung giới thiệu chi tiết và toàn diện các thay đổi trong quy định về Sáng chế và giải pháp hữu ích, bao gồm các nội dung chính liên quan đến:

  1. Sáng chế mật;
  2. Bộc lộ tính mới của sáng chế;
  3. Kiểm soát an ninh đối với sáng chế trong nước trước khi nộp đơn ra nước ngoài;
  4. Nguồn gen và tri thức truyền thống;
  5. Bảo hộ dữ liệu thử nghiệm;
  6. Sáng chế sử dụng ngân sách nhà nước.

Các điều khoản cụ thể được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 4. Giải thích từ ngữ         

Bổ sung khoản 12a vào sau khoản 12, trong nội dung về giải thích từ ngữ về sáng chế: bổ sung khái niệm “Sáng chế mật: là sáng chế được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định là bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.”

Điều 60. Tính mới sáng chế

Sửa đổi, bổ sung vào khoản 1, trong nội dung quy định về tính mới: sửa đổi, bổ sung nội dung về “tính mới sáng chế” theo hướng cụ thể hóa khái niệm bị bộc lộ công khai dưới hình thức mô tả bằng văn bản; theo đó sáng chế được coi là mất tính mới nếu “bị bộc lộ trong đơn đăng ký sáng chế khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đó.”.

Điều 89. Cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp

Bổ sung điều 89a vào sau điều 89, trong quy định về cách thức nộp đơn xác lập quyền đối với sáng chế, bổ sung nội dung về Kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài, cụ thể là “Sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến quốc phòng, an ninh, được tạo ra tại Việt Nam và thuộc quyền đăng ký của cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam hoặc của tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam chỉ được nộp đơn đăng ký sáng chế ở nước ngoài nếu đã được nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam để thực hiện thủ tục kiểm soát an ninh và chính phủ quy định chi tiết điều này.”.

Điều 96. Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ

Sửa khoản 2 nhằm xác định giá trị hiệu lực khi hủy bỏ văn bằng bảo hộ, đưa quy định tại khoản 2 cũ vào khoản 1, đồng thời sửa đổi khoản 1, bổ sung khoản 1a, nhằm bổ sung một số trường hợp văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực.

Điều 96 sửa đổi cũng nêu rõ, nếu văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ hiệu toàn bộ hoặc một phần hiệu lực thì toàn bộ hoặc một phần bị hủy bỏ của văn bằng bảo hộ đó không phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm cấp văn bằng.

Điều 100. Yêu cầu chung đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

Bổ sung khoản đ1 vào sau khoản đ, trong nội dung về yêu cầu đối với đơn xác lập quyền, bổ sung nội dung về việc nộp tài liệu khi nộp đơn sáng chế có liên quan đến nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen, cụ thể là cần nộp thêm “Tài liệu thuyết minh về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen trong đơn đăng ký sáng chế, đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen.”

Điều 108. Tiếp nhận đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, ngày nộp đơn

Bổ sung khoản 3, trong nội dung về tiếp nhận đơn đăng ký xác lập quyền, liên quan đến sáng chế mật: bổ sung nội dung về đơn đăng ký đối với sáng chế mật, cụ thể “Đơn đăng ký đối với sáng chế mật được thực hiện theo quy định của Chính phủ.”

Điều 117. Từ chối văn bằng bảo hộ

Sửa đổi khoản 1, bổ sung khoản 1a nhằm bổ sung các trường hợp từ chối cấp văn bằng bảo hộ đối với sáng chế để phù hợp với việc bổ sung các trường hợp văn bằng bảo hộ đối với sáng chế bị huỷ bỏ tại Điều 96.

Sửa đổi khoản 3 nhằm cụ thể hóa thủ tục mà cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện khi đơn đăng ký sở hữu công nghiệp thuộc các trường hợp quy định tại các khoản 1, 1a và 2 Điều này.

Điều 118. Cấp văn bằng bảo hộ, đăng bạ

Luật hóa và cụ thể hóa các công việc được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện khi cấp văn bằng bảo hộ, trong đó nêu 02 trường hợp:

- đơn đăng ký sở hữu công nghiệp không thuộc trường hợp từ chối cấp văn bằng bảo hộ quy định tại các khoản 1, 1a và 2, điểm d khoản 3 Điều 117; hoặc

- người nộp đơn có ý kiến xác đáng phản đối về dự định từ chối quy định tại điểm a khoản 3 Điều 117 (Chuyển Khoản 4-Điều 117 sang Điều 118).

Điều 128: Nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu thử nghiệm

Sửa đổi và bổ sung điều 128 để thi hành Hiệp định CPTPP nhằm bảo đảm thông tin cho chủ sở hữu bằng SC đối với dược phẩm, nông hóa phẩm. Cụ thể, tách quy định về nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu thử nghiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp phép đối với nông hóa phẩm và tăng thời gian bảo hộ dữ liệu thử nghiệm đối với nông hóa phẩm lên đến 10 năm. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành có nghĩa vụ công bố thông tin trong thời hạn quy định đối với dược phẩm xin cấp phép sau dựa trên một dược phẩm đã được cấp phép lưu hành trước đó hoặc dữ liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của một dược phẩm đã được cấp phép lưu hành.

Điều 131. Quyền tạm thời đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp

Bổ sung điều 131a về việc đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm.

Theo đó, chủ bằng độc quyền sáng chế không phải nộp phí sử dụng VBBH cho khoảng thời gian mà thủ tục đăng ký lưu hành lần đầu của dược phẩm được sản xuất theo Bằng độc quyền sáng chế đó tại Việt Nam bị chậm hoặc khoản phí sử dụng VBBH đã nộp cho khoảng thời gian bị chậm được trừ vào kỳ Duy trì HL tiếp theo hoặc được hoàn trả. Khoảng thời gian bị chậm được tính từ ngày đầu tiên sau khi kết thúc hai năm kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành dược phẩm nhận đủ hồ sơ đến khi có văn bản phản hồi lần đầu.

Nhằm tối ưu hóa nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ. Luật sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi và bổ sung các điều 133, 135, 136 như sau:

Điều 133. Quyền sử dụng sáng chế nhân danh Nhà nước

Bổ sung điều 133a. Quyền của Nhà nước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ, sử dụng ngân sách nhà nước

Trong đó, các trường hợp mà đại diện chủ sở hữu nhà nước giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu; các trường hợp mà đại diện chủ sở hữu nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước mà không cần sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng và việc trả khoản tiền đền bù cho chủ sở hữu của tổ chức, cá nhân sử dụng đều được cụ thể hóa một cách rõ ràng.

Điều 135. Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí

Sửa đổi điều 135

Mức thù lao mà tác giả/ đồng tác giả nhận được từ chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí đã được tăng lên nhằm thúc đẩy động lực nghiên cứu, sáng tạo. Bên cạnh đó, cụ thể hóa mức thù lao cho tác giả/đồng tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí sử dụng ngân sách nhà nước.

Điều 136. Nghĩa vụ sử dụng sáng chế, nhãn hiệu

Bổ sung điều 136a. Nghĩa vụ của các tổ chức chủ trì đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

Cụ thể hóa nghĩa vụ của các tổ chức chủ trì đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, đặc biệt là nghĩa vụ trong việc phân chia và sử dụng phần lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng quyền, góp vốn bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ góp vốn của Nhà nước.

Điều 145. Căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế

Bổ sung điều 145đ. Căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế liên quan đến sử dụng sáng chế nhằm đáp ứng nhu cầu về dược phẩm để phòng, chữa bệnh của quốc gia khác có đủ điều kiện nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên tại điều 145 của Luật.

Điều 146. Điều kiện hạn chế quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc

Sửa đổi điểm b, d và bổ sung điểm đ của điều 146

Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung điều 146 của Luật cho thấy quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc đã không còn bị hạn chế bởi quy định chỉ cung cấp cho thị trường trong nước. Ngoài ra, khoản đền bù mà người được chuyển giao quyền sử dụng phải trả cho người nắm độc quyền sử dụng sáng chế sẽ theo thỏa thuận giữa hai bên hoặc thực hiện theo quy định của Chính phủ nếu hai bên không đạt được thỏa thuận.