Giỏ hàng
CÁC NỘI DUNG CHÍNH CỦA LUẬT SHTT SỬA ĐỔI 2022  - PHẦN 5 – BẢN QUYỀN

Date: 18-08-2022 by: Banca IP Law Firm

CÁC NỘI DUNG CHÍNH CỦA LUẬT SHTT SỬA ĐỔI 2022 - PHẦN 5 – BẢN QUYỀN

Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi bổ sung (sau đây gọi là Luật mới) có hiệu lực từ 1/1/2023, ngoại trừ một số điều. Đây là lần thứ 3 Luật SHTT ở Việt Nam được sửa đổi kể từ luật SHTT đầu tiên được ban hành năm 2005. Luật mới sửa đổi bổ sung tất cả các nội dung, trong đó có phần bản quyền. Cải cách luật bản quyền Việt Nam lần này cũng trong làn sóng sửa đổi luật bản quyền trên thế giới bắt đầu từ hơn chục năm trở lại đây (ví dụ như cải cách luật bản quyền ở Liên minh châu Âu vào năm 2019, ở Trung Quốc vào năm 2020 và ở Singapore vào năm 2021). Nguyên nhân của làn sóng này là do những thay đổi vô cùng nhanh chóng trong công nghệ, dẫn đến hậu quả là luật bản quyền ngày càng trở nên bất cập, trước những thách thức công nghệ.

Điểm quan trọng nhất trong lần sửa đổi luật bản quyền lần này có lẽ nằm trong các quy định liên quan tới các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.

Mục đích chính của cải cách luật bản quyền Việt Nam là tạo điều kiện khai thác thương mại tác phẩm, thúc đẩy sáng tạo. Vì thế, các quy định liên quan đến xác định chủ sở hữu quyền tác giả được quy định rõ ràng và cụ thể hơn, giúp cho quá trình chuyển nhượng quyền được thuận lợi hơn.

Chi tiết các điều khoản được sửa đổi, bổ sung xin được liệt kê dưới đây:

(1) Làm rõ, bổ sung một số khái niệm trong Điều 4, nổi bật là:

- Việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình thì đều gọi là sao chép (Khoản 10)

- Bổ sung quy định về tiền bản quyền, biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, biện pháp công nghệ hữu hiệu, thông tin quản lý quyền (Khoản 10a,b,c,d)

(2) Làm rõ các quyền của tác giả, đồng tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan. (Điều 12a, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 29, Điều 30, Điều 31, Điều 36, Điều 44), nổi bật là:

- Thêm Điều 12a quy định về Tác giả, đồng tác giả: Tác giả là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm. Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả; người hỗ trợ, góp ý kiến, cung cấp tư liệu không phải là tác giả, đồng tác giả…

- Sửa đổi Khoản 1 Điều 19 về Quyền nhân thân: Tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này

- Điều 21: Đối với tác phẩm điện ảnh, phân biệt rõ quyền tác giả của Biên kịch, đạo diễn với các đối tượng khác (quy phim, dựng phim...). Đối với tác phẩm sân khấu cũng phân biệt rõ quyền tác giả của Tác giả kịch bản sân khấu với các đối tượng khác (tác giả tác phẩm văn học, âm nhạc…) (Trước đó các đối tượng này đều có quyền tác giả như nhau đối với tác phẩm).

- Điều 22: Bổ sung nội dung Tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả đối với chương trình máy tính có quyền thỏa thuận bằng văn bản với nhau về việc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính.

(3) Sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp giới hạn, ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan. (Điều 25, Điều 25a, Điều 26, Điều 32, Điều 33)

(4) Quy định rõ tổ chức, hoạt động, các quyền, nghĩa vụ của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch. (Điều 56)

(5) Sửa đổi, bổ sung một số quy định về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, hướng đến tiếp tục cải cách hành chính và minh bạch hóa thủ tục hành chính. (Điều 49, Điều 50, Điều 52, Điều 55), nổi bật là:

- Khoản 1 Điều 50 bổ sung hình thức nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính.

- Sửa đổi Khoản 2 điều 50 liên quan đến tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, cụ thể:  thêm thông tin về cấp lại, cấp đổi (nếu có) và tờ khai do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ.

- Sửa đổi Điều 52: Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ.

- Sửa đổi Điều 55 bổ sung thời hạn cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, cụ thể: cơ quan nhà nước có thẩm quyền  tiến hành cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ; cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan trong thời hạn mười hai ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. 

(6) Quy định làm rõ nhóm các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, bổ sung quy định về giả định quyền và trách nhiệm pháp lý của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, thúc đẩy hoạt động thực thi quyền trên môi trường số. (Điều 28, Điều 35, Điều 198b).