Giỏ hàng
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ - PHẦN 1 – NHÃN HIỆU VÀ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ

Date: 25-07-2022 by: Banca IP Law Firm

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ - PHẦN 1 – NHÃN HIỆU VÀ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ

Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và quá trình toàn cầu hóa đang trở thành xu thế, Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ cho phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và các cam kết quốc tế, thông lệ quốc tế là một vấn đề tất yếu.

Với 476/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, sáng 16/6/2022, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (sau đây gọi là Luật sửa đổi, bổ sung).

Bài viết này sẽ tập trung trình bày về các sửa đổi chính liên quan đến Phần 1: Nhãn hiệu và Chỉ dẫn địa lý. Các phần tiếp theo liên quan đến Bản Quyền, Kiểu dáng công nghiệp, Sáng chế, Giống Cây Trồng chúng tôi xin được đề cập ở các bài viết sau.

1) Sửa lại khái niệm về “Nhãn hiệu nổi tiếng”: là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan (chứ không phải là người tiêu dùng như quy định trước đây) biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam (Khoản 20 Điều 4);

2) Sửa lại khái niệm về “Chỉ dẫn địa lý” cho đúng nghĩa: là dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể (chứ không phải là chỉ sản phẩm có nguồn gốc địa lý) (Khoản 22 Điều 4);

3) Bổ sung khái niệm “Chỉ dẫn địa lý đồng âm”: là các chỉ dẫn địa lý có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau.” (Khoản 22a Điều 4) cùng các quy định liên quan tới chỉ dẫn địa lý đồng âm (Khoản 2 Điều 79 – điều kiện để được bảo hộ, và Điểm e Khoản 1 Điều 106-bổ sung tài liệu thuyết minh để phân biệt giữa các chỉ dẫn địa lý);

4) Bổ sung “Dấu hiệu âm thanh” là dấu hiệu được bảo hộ tại Khoản 1 Điều 72 và quy định về mẫu nhãn hiệu đăng ký của nhãn hiệu này là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó (Khoản 2 Điều 105);

5) Bổ sung quy định về hiệu lực của đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Nghị định thư và thỏa ước Mandrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định ở Việt Nam (Khoản 8 Điều 93): kể từ ngày được Cục chấp nhận bảo hộ hoặc ngày tiếp theo ngày kết thúc thời hạn 12 tháng chỉ định (tính theo thời điểm sớm hơn);

6) Đơn đăng ký nhãn hiệu ngoài việc được công bố như trước đây sau khi đơn hợp lệ còn được công khai ngay sau khi được tiếp nhận;

7) Lược bỏ nội dung hoàn phí đối với thủ tục rút đơn (Khoản 2 Điều 116).

8)Bổ sung căn cứ chấm dứt hiệu lực GCNĐKNH tại Điều 95.1.h, i:

95.1.h) Việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ đó;

95.1.i) Nhãn hiệu được bảo hộ trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó;

9) Bổ sung căn cứ hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNH tại Điều 96.1.a và 96.2.c

96.1.a) Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu;

96.2.c) Việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn;

10) Bổ sung Điều 112a về cơ chế về phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu

Luật cũ chỉ có quy định về quyền có ý kiến của người thứ ba. Luật SHTT sửa đổi số 07/2022/QH15 bổ sung thêm cơ chế về phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu bên cạnh quyền có ý kiến của người thứ ba. Như vậy, sẽ có 2 cơ chế phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu:

Cơ chế 1: Ý kiến của người thứ ba

-Là nguồn thông tin tham khảo cho quá trình thẩm định của Cục.

-Thời điểm nộp: từ thời điểm đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố trên công báo sở hữu công nghiệp cho đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu

-Cục có thể không trả lời.

-Phí: Không phải nộp phí.

Cơ chế 2: Phản đối chính thức của người thứ ba

-Là một thủ tục độc lập (không mang ý nghĩa là nguồn thông tin tham khảo cho quá trình thẩm định của Cục).

-Thời điểm nộp: trong vòng 5 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố.

-Cục phải trả lời/giải quyết

-Phí: Phải nộp phí phản đối.

11) Bổ sung căn cứ phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu

- Một số căn cứ về điều kiện bảo hộ nhãn hiệu (Điều 74.2)

- Căn cứ về quyền đăng ký và dụng ý xấu (Điều 117.1.b)

Điều 117.1.b) Có cơ sở để khẳng định rằng người nộp đơn không có quyền đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu.

12) Bổ sung căn cứ về từ chối bảo hộ nhãn hiệu

a)Căn cứ về khả năng phân biệt của nhãn hiệu (Điều 74.2)

b)Căn cứ về các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu (dấu hiệu loại trừ) (Điều 73)

c)Căn cứ về quyền đăng ký và dụng ý xấu (Điều 117.1.b)

d)Việc sửa đổi, bổ sung đơn làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn (Điều 117.1.đ)

13) Sửa đổi, bổ sung quy định về khả năng phân biệt của nhãn hiệu tại Điều 74.2

-Bổ sung căn cứ từ chối đối với dấu hiệu là “hình dạng thông thường của hàng hóa hoặc một phần hàng hóa, hình dạng thông thường của bao bì hoặc vật chứa hàng hóa đã được sử dụng thường xuyên và thừa nhận rộng rãi trước ngày nộp đơn” (Điều 74.2.b),

-Bổ sung căn cứ từ chối trong trường hợp nhãn hiệu là “dấu hiệu làm gia tăng giá trị đáng kể cho hàng hóa” (Điều 74.2.c)

-Sửa đổi căn cứ từ chối vì tương tự với một đăng ký nhãn hiệu đã hết hiệu lực: thời gian hết hiệu lực được rút ngắn từ 5 năm xuống 3 năm (Điều 74.2.h)

-Bổ sung căn cứ từ chối vì trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên giống cây trồng đã hoặc đang được bảo hộ tại Việt Nam nếu dấu hiệu đó đăng ký cho hàng hóa là giống cây trồng cùng loài hoặc thuộc loài tương tự hoặc sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng (Điều 74.2.o)

-Bổ sung căn cứ từ chối vì trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi, hình ảnh của nhân vật, hình tượng trong tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác đã được biết đến một cách rộng rãi trước ngày nộp đơn, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó (Điều 74.2.p)

14) Bổ sung căn cứ về các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu (dấu hiệu loại trừ) tại Điều 73

Bổ sung các dấu hiệu không được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu:

73.1: Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và của các nước, quốc tế ca

73.6: Dấu hiệu là hình dạng vốn có của hàng hóa hoặc do đặc tính kỹ thuật của hàng hóa bắt buộc phải có;

73.7: Dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.

15) Sửa đổi, bổ sung khái niệm sử dụng nhãn hiệu tại Điều 124.5.b

-Không coi “lưu thông” là hành vi sử dụng nhãn hiệu nữa.

-Bổ sung “vận chuyển hàng hóa” là hành vi sử dụng nhãn hiệu.

Luật sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2023 trừ quy định về bảo hộ âm thanh ở trên.

----------------------------------------------

➡ Công ty SHTT BANCA

🏡 Địa chỉ: 15B Triệu Việt Vương, Hà Nội

☎ Tư vấn: (84-24) 39 433 007

👑 Email: mailbox@bancavip.com