Giỏ hàng
ST25 VÀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Date: 15-06-2021 by: Banca IP Law Firm

ST25 VÀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Bài học dành cho các cá nhân và doanh nghiệp trong việc đăng ký và bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ liên quan đến Giống cây trồng

Trong thời gian vừa qua, “ST25” hay “gạo ST25” là cụm từ rất phổ biến trên thị trường. Đây là loại gạo đã đi thi và đạt giải gạo ngon nhất và ngon nhì thế giới hai năm liên tiếp 2019 và 2020. Với người quan tâm đến ST25, chắc hẳn cũng đã nghe thấy nhưng thông tin như: “ST25 bị mất quyền đăng ký tại Hoa Kỳ” hay “Gạo ST25 bị đăng ký nhãn hiệu ở Úc”.

Để trả lời cho vấn đề này, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ đã khẳng định “không thể bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cho dấu hiệu ST25 cho sản phẩm gạo”. Lý do là ST25 là tên gọi thông thường của sản phẩm thu hoạch từ giống lúa ST25, và hầu hết các quốc gia bao gồm cả Hoa Kỳ đều không bảo hộ nhãn hiệu đối với tên gọi chung của sản phẩm/dịch vụ. Theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, trên thực tế là các đơn đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm gạo ST25 tại Hoa Kỳ đã bị từ chối cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho dấu hiệu này. Các luật sư Banca, bằng kiến thức chuyên môn của mình, xin được phân tích sự việc này dưới góc nhìn pháp lý về sở hữu trí tuệ để các doanh nghiệp, cá nhân có thể coi đây là bài học kinh nghiệm trong việc bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ nói chung và đối với giống cây trồng nói riêng. 

1. Một sản phẩm gạo ST25 hiện đang bày bán trên thị trường Việt Nam, bao gồm các tài sản sở hữu trí tuệ nào có thể được bảo vệ? 

https://lh6.googleusercontent.com/Nt56mbt2padA_XEe8PE-4Y_cEtPpPKPA5pgnUogj_AuSANX5YN7jyXe4xOhvjl7Z0nWT5WcK63zhNs-Q_F2wkWYoQUMNebso82EuoO0lKsyVfaptdqvaQ7v8Fwyudghttps://lh5.googleusercontent.com/OUS6o99F5MV8i9alRBE0WJvY9FC_kknM12LQfc9NeAuIcJChuEo6TDsQs9AxeCjdSYD5yrUgaxZjhco8oBNXvq0qlQqtqt2ZHXBsyB6ahal1ubkLprB4_RwA2z-l_g

Một sản phẩm khi đưa ra thị trường, các doanh nghiệp phải thực hiện rất nhiều các thủ tục pháp lý cần thiết để đăng ký với cơ quan nhà nước như đăng ký chất lượng sản phẩm, đăng ký lưu hành sản phẩm, mã số mã vạch v.v… Các doanh nghiệp cũng phải thiết kế bao bì hàng hóa để chứa đựng sản phẩm nhưng đôi khi có sản phẩm lưu hành trên thị trường một thời gian, họ vẫn không hiểu rõ có những tài sản sở hữu trí tuệ nào của mình có thể được bảo hộ, cần phải đăng ký để bảo hộ, hoặc những tài sản sở hữu trí tuệ nào cần phải được xin phép các chủ sở hữu khác để tránh các kiện cáo hay hàng nhái trong quá trình kinh doanh. Xét về tài sản sở hữu trí tuệ, một sản phẩm gạo ST25 như hình có thể được bảo hộ các quyền sau:
  • Quyền đối với giống cây trồng: Ở đây, ST25 được hiểu là giống lúa để sản xuất ra gạo thành phẩm và đây cũng là giống lúa đã được cấp văn bằng bảo hộ giống cây trồng;
  • Quyền đối với Nhãn hiệu: các logo, tên gọi, hình ảnh, hình phối... là sự sáng tạo hoặc kết hợp độc đáo đặc trưng của doanh nghiệp sản xuất gạo ST25;
  • Quyền đối với Kiểu dáng công nghiệp: nếu bao gói, trong đó màu sắc thể hiện, bố cục trang trí của bao gói này thỏa mãn các tiêu chí để có thể được bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp theo quy định của pháp luật;
  • Quyền đối với Sáng chế/ Giải pháp hữu ích: trong trường hợp gạo được sản xuất theo quy trình mới, cải tiến so với các quy trình đã biết có thể được bảo hộ độc quyền sáng chế/ Giải pháp hữu ích.
  • Bản quyền: liên quan đến các họa tiết, logo có yếu tố mỹ thuật được thể hiện trên bao gói.
2. Để sản xuất gạo ST25, chủ thương hiệu (hay các nhà đầu tư, các nhà sản xuất) có cần phải xin phép ông Hồ Quang Cua và Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí hay không và phải làm thủ tục gì ?

Đối với giống lúa ST25, doanh nghiệp Hồ Quang Trí, là chủ sở hữu của Văn bằng bảo hộ số 21.VN.2020 theo Quyết định số 45/QĐ-TT-VPBH ngày 06/03/2020 của Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Theo quy định tại điều 186 Luật Sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu văn bằng bảo hộ giống cây trồng có các quyền:

Chủ bằng bảo hộ có quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng các quyền sau đây liên quan đến vật liệu nhân giống của giống đã được bảo hộ:

a) Sản xuất hoặc nhân giống;
b) Chế biến nhằm mục đích nhân giống;
c) Chào hàng;
d) Bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường khác;
đ) Xuất khẩu;
e) Nhập khẩu;
g) Lưu giữ để thực hiện các hành vi quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này.

Do vậy, bất cứ cá nhân, tổ chức nào muốn sử dụng giống lúa hoặc vật liệu nhân giống phải được sự cho phép của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí là chủ sở hữu của giống lúa này. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp Hồ Quang Trí đã cho phép bên thứ ba sản xuất hoặc nhân giống giống lúa này, thì các cơ sở sản xuất có thể mua trực tiếp từ các bên thứ ba này mà không cần phải xin phép doanh nghiệp.

3. Ông Hồ Quang Cua và Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cần làm gì nếu muốn bảo hộ giống cây trồng của mình trên thị trường quốc tế? UPOV là gì?

Trên khía cạnh là chủ sở hữu và tác giả của giống cây trồng, khi lựa chọn thị trường mục tiêu để khai thác, họ cần xem xét việc nộp đơn yêu cầu bảo hộ giống cây trồng mới ở các quốc gia này. Hiện nay, Việt Nam là thành viên của Hiệp hội Quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng mới UPOV. Do đó, việc bảo hộ ở các nước thành viên rất thuận lợi. Đáng lưu ý là, hiệp hội này có đến 72 nước thành viên trong đó có các nước lớn, là các thị trường tiềm năng cho việc tiêu thụ nông sản như Hoa Kỳ, châu Âu, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. 

Nói về UPOV, UPOV là viết tắt của tiếng Pháp Union internationale pour la Protection des Obtentions Végétales với tiêu chí hoạt động là "Cung cấp và hỗ trợ hệ thống bảo hộ giống cây trồng mới hoạt động một cách có hiệu quả, với mục tiêu khuyến khích việc phát triển các giống cây trồng mới vì lợi ích cộng đồng”. UPOV thiết lập ra một nguyên tắc chung về hướng dẫn khảo nghiệm, theo đó các nước thành viên sẽ áp dụng các nguyên tắc chung này để làm tiêu chí đánh giá bảo hộ giống cây trồng. Ngoài ra, khi tham gia UPOV, người nộp đơn có thể nộp đơn ở nước khác và xin hưởng quyền ưu tiên từ đơn đầu tiên trong vòng 12 tháng từ ngày nộp đơn đầu tiên này.

Đồng thời, khi tham gia UPOV, Việt Nam cũng đã ký Biên bản ghi nhớ với một số quốc gia/ khu vực như Liên minh châu Âu, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapores về việc trao đổi kết quả khảo nghiệm DUS. Do vậy, chủ đơn có thể không phải tiến hành khảo nghiệm DUS ở các nước này, và do đó sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí để bảo hộ giống cây trồng mới của mình.

UPOV cũng hỗ trợ các nước thành viên trong việc đảm bảo tăng cường thực thi quyền của nhà tạo giống bằng cách duy trì sự liên lạc hợp tác giữa các nước thành viên và tổ chức các hội thảo, các hoạt động nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về quyền của nhà tạo giống.

4. Các nhà sản xuất gạo ST25 nếu muốn đưa sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế thì cần phải lưu ý những gì về sở hữu trí tuệ?

Khi các cá nhân và doanh nghiệp đã xác định được các tài sản sở hữu trí tuệ nào cần phải được bảo vệ, trước tiên hãy nhanh chóng tìm kiếm các văn phòng luật tư vấn về sở hữu trí tuệ, yêu cầu luật sư tư vấn và đăng ký bảo hộ tại thị trường có cơ sở kinh doanh chủ chốt hoặc có đăng ký kinh doanh (vd. pháp nhân Việt Nam thì đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam). 

Mặc dù ở Việt Nam, các doanh nghiệp có thể tự chủ động tiến hành việc đăng ký bảo hộ quyền tại Cục Sở hữu hữu trí tuệ, các doanh nghiệp vẫn nên tìm kiếm các hỗ trợ pháp lý từ các luật sư sở hữu trí tuệ bởi lẽ quyền đăng ký ở Việt Nam có sự liên kết với quyền đăng ký ở một số quốc gia khác trên thế giới khi Việt Nam và quốc gia mà doanh nghiệp đang hướng tới cùng là thành viên của các điều ước quốc tế, điều này rất có lợi cho cá nhân/pháp nhân Việt Nam. 

Sau khi xác định thị trường quốc tế mà doanh nghiệp có ý định kinh doanh, do quyền sở hữu trí tuệ mang tính lãnh thổ, và các đặc quyền cũng có thời hạn nhất định, các cá nhân và doanh nghiệp cũng nên kịp thời yêu cầu luật sư tư vấn để tiến hành đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình tại các thị trường này, tránh các rủi ro về pháp lý đáng tiếc, gây thiệt hại vô cùng lớn do chi phí luật sư cũng như kiện tụng ở phần lớn các quốc gia khác đều rất cao. 

Kết luận

Từ bài học về ST25, có thể thấy rằng đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có cái nhìn sâu, rộng hơn về việc đăng ký và bảo vệ quyền tài sản trí tuệ của mình. Trong tương lai, đây sẽ là một loại tài sản đáng giá nhưng bởi tính vô hình nên nó lại dễ dàng bị xâm phạm. Vì vậy, là một doanh nghiệp có tài sản trí tuệ, chúng ta cần phải tìm hiểu rõ các quyền của mình và có biện pháp bảo vệ tài sản của mình. Đây là việc cần phải làm ngay từ khi có ý tưởng, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế là dù đã nhận thức được về vai trò của tài sản sở hữu trí tuệ thì khả năng đánh giá về những tài sản này là chưa cao. Do vậy, các doanh nghiệp, công ty hoặc cá nhân có nhu cầu nên tìm đến các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để được hỗ trợ.