Giỏ hàng
Các doanh nghiệp xuất khẩu hãy lưu tâm về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình tại thị trường nước ngoài để được bán hàng trên sàn thương mại điện tử lớn!

Date: 12-07-2021 by: Banca IP Law Firm

Các doanh nghiệp xuất khẩu hãy lưu tâm về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình tại thị trường nước ngoài để được bán hàng trên sàn thương mại điện tử lớn!

Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát và ảnh hưởng trực tiếp tới kênh bán hàng truyền thống, Chủ tịch HĐQT Công ty Pacific Foods - ông Lê Bá Linh liền đẩy mạnh kênh bán hàng online trên Amazon. Hiện, mỗi tháng, khoảng 18.000 chai nước mắm truyền thống Việt được bán ra trên nền tảng thương mại điện tử khổng lồ này, bỏ lại đằng sau các sản phẩm nước mắm của đối thủ mạnh đến từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc hay Singapore.

Báo cáo số lượng đơn đặt hàng với sản phẩm nước mắm của Pacific Foods mà hệ thống Amazon gửi về có những thông số đáng chú ý: từ 0% năm 2018 tăng trưởng đến 2.590% vào giữa tháng 4/2020. Đó là nhờ nhãn hàng đã “chạm tay” tới được người tiêu dùng nước bạn và chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Tiền thân là đơn vị xuất khẩu nên Pacific Foods sớm coi trọng việc đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu. Đặc biệt, khi tấn công vào các thị trường như Mỹ, Canada thì điều đó càng cần thiết.

“Khi bán hàng trên Amazon, doanh nghiệp buộc phải có đăng ký sở hữu trí tuệ, pháp lý thương hiệu minh bạch. Nếu không có các yếu tố trên, sản phẩm của doanh nghiệp xuất hiện trên sàn sẽ không được thực hiện các chương trình marketing, quảng bá để tiếp cận người tiêu dùng”, ông Linh cho hay.

Theo ông Linh, khi không có đăng ký sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp như “kẻ bán thuê”, sản phẩm không thể coi là của mình. Tại nước sở tại, trong khi chờ chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ, công ty không được kinh doanh hoặc nếu có khiếu nại sẽ phải dừng kinh doanh và chứng minh đó là thương hiệu của mình rồi mới được tiếp tục hoạt động.

 

“Khi chưa đăng ký sở hữu trí tuệ và có chấp nhận đơn, nước mắm Việt chỉ đứng vị trí hơn 2.000. Sau khi đăng ký, chúng tôi thực hiện marketing, sản phẩm dần được đón nhận và chính thức lên Top 1 Amazon vào tháng 4/2020”, đại diện Pacific Foods nhớ lại.

8 tháng là quãng thời gian Pacific Foods phải điên đầu để đưa chai nước mắm truyền thống Việt từ khi đăng ký đến khi niêm yết được trên sàn thương mại điện tử Amazon. Nhưng ở Việt Nam thì sao, ít nhất là 2 năm để hoàn thành việc đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu của mình. Chưa kể khi nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nhiều quốc gia, ví dụ như Mỹ, cơ quan Sở hữu trí tuệ có các thông báo cụ thể chi tiết về lộ trình đăng ký, các rủi ro khi sử dụng nhãn hiệu để các doanh nghiệp còn lường trước công việc kinh doanh. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các doanh nghiệp chỉ có thể nhận được kết quả chính xác sau khoảng 2 năm kể từ ngày nộp đơn. Tức là, nếu nhãn hiệu không được chấp nhận bảo hộ, doanh nghiệp lại phải tìm kiếm đăng ký một nhãn hiệu khác, hoặc nếu không đồng ý với các quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục khiếu nại, có thể mất thêm rất nhiều năm sau nữa cũng chưa xong vụ việc. 

Chính vì vậy, chúng tôi xin có một số lời khuyên đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu đã xác định muốn xuất khẩu sang thị trường quốc gia nào, hãy dành thời gian từ 1 đến 2 năm tìm hiểu luật pháp về sở hữu trí tuệ và làm thủ tục đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu của mình tại thị trường đó. Ở các quốc gia phát triển, các vấn đề về sở hữu trí tuệ được luật pháp bảo vệ chặt chẽ. Còn nếu xác định chỉ kinh doanh ở thị trường Việt Nam, cũng nên dành từ 2 đến 3 năm để tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu do thời gian đăng ký ở Việt Nam lâu hơn. Tuy nhiên để tăng khả năng thành công, các doanh nghiệp có thể yêu cầu các đại diện về Sở hữu trí tuệ như Banca để tra cứu và đánh giá khả năng đăng ký trước khi nộp đơn. 

Nguồn: tổng hợp thông tin

----------------------------------------------

➡ Công ty SHTT BANCA

🏡 Địa chỉ: 15B Triệu Việt Vương, Hà Nội

☎ Tư vấn: (+84-24) 39 433 007/008

👑 Email: mailbox@bancavip.com