Ngày 26/8/2020, Chính phủ đã ban hành nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là văn bản mới nhất có hiệu lực từ 15/10/2020 thay thế cho Nghị định 185/2013/NĐ-CP và 124/2015/NĐ-CP quy định cùng về một vấn đề.
Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, định nghĩa về hàng giả đã được rõ ràng hơn so với các văn bản pháp luật trước đó. Cụ thể, có 6 loại hàng giả: (1) hàng hoá có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với bản chất, tên gọi; (2) hàng giả có chất lượng kém so với hàng thật (chỉ đạt dưới 70%); (3) thuốc giả; (4) thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật có chất lượng kém so với hàng thật (chỉ đạt dưới 70%); (5) hàng hoá có chỉ dẫn giả mạo; (6) tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả;
Các đối tượng bị xử phạt hành chính chủ yếu bao gồm các tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ Việt Nam, các văn phòng đại diện, chi nhánh của các thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; các văn phòng đại diện của các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam;
Các hình thức xử phạt chính đó là cảnh cáo, phạt tiền; các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động đến 24 tháng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; các biện pháp khắc phục hậu quả chính: như tiêu huỷ hàng giả, thu hồi hàng kém chất lượng, loại bỏ các yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng hoá, cải chính công khai, v.v…Tuy nhiên, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm chỉ là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức;
Khi các tang vật bị bắt giữ, việc xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt được thực hiện chủ yếu theo nguyên tắc lấy theo giá thị trường của hàng hóa thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng, kỹ thuật, công dụng tại thời điểm nơi phát hiện vi phạm hành chính.
Các hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả bao gồm:
Điều 9. Hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng
Điều 10. Hành vi sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng
Điều 11. Hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa
Điều 12. Hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa
Điều 13. Hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả
Điều 14. Hành vi sản xuất tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả
Trong các quy định từ ĐIều 9 đến Điều 14 cũng chỉ rõ mức phạt tiền, hình thức tăng nặng bị phạt gấp đôi số tiền, hình thức xử phạt bổ sung, cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả liên quan.
Về thẩm quyền xử phạt bao gồm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, Quản lý thị trường, Công an nhân dân, Thanh tra các ngành, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, Hải Quan. Mỗi cơ quan thực thi và chức vụ nắm giữ có quyền hạn xử phạt riêng.
Thông thường, khi phát hiện ra hành vi buôn bán sản xuất hàng giả, nếu hàng giả thu được tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 30 triệu đồng hoặc từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp trên 50 triệu đồng nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ áp dụng xử phạt vi phạm hành chính. Nói cách khác, tùy từng trường hợp, cơ quan thực thi pháp luật không chỉ căn cứ vào giá trị hàng bị thu giữ mà còn căn cứ vào mức độ nghiêm trọng và/hoặc tác động tiêu cực của hành vi để áp dụng chế tài xử phạt phù hợp.
Mặc dù các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả có tính răn đe không cao, mức xử phạt thấp, không có cơ chế bồi thường đối với bên bị thiệt hại. Tuy nhiên, biện pháp xử phạt hành chính lại có thể áp dụng nhanh chóng kịp thời và tốn ít chi phí đối với bên yêu cầu.
Nếu bạn cần bất kỳ sự giúp đỡ, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi. Chúng tôi sẽ liên hệ lại với bạn sau 1 ngày làm việc. Hoặc nếu vội, hãy gọi ngay cho chúng tôi.
Call : +84 93 893 1313
mailbox@bancavip.com Thứ 2 – Thứ 6 08:30-18:00 (GTM+7)