Người tiêu dùng phía Bắc Việt Nam từ lâu đã biết đến Maggi/Magi như một loại nước chấm màu nâu đen thường làm từ những nguyên liệu có chứa nhiều chất đạm (Từ điển Tiếng Việt cũ), rồi dần dà trở thành một biểu tượng chung cho tất cả các loại xì dầu/nước tương trong tâm thức người Việt. Chính vì lẽ đó, nó đã được các nhà ngôn ngữ học chính thức đưa vào từ điển như một danh từ chung để nói về loại nước chấm thông dụng. Thực tế, MAGGI là thương hiệu độc quyền quốc tế của Tập đoàn Nestlé (Thụy Sỹ) có bề dày lịch sử tồn tại trên 100 năm, đã được cấp đăng ký và bảo hộ tại 156 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam, đồng thời cũng được sử dụng rộng rãi tại gần 200 quốc gia trên thế giới.
Từ khi Nestlé mang các sản phẩm MAGGI đến thị trường Việt Nam, đã có rất nhiều đối thủ cạnh tranh sử dụng dấu hiệu “MAGGI”, “Magi” và các biến thể của từ này cho sản phẩm của mình, điển hình là công ty Miwon Việt Nam, một công ty gia vị của Hàn QUốc. Họ viện dẫn lý do Magi được Viện Ngôn ngữ đưa vào từ điển tiếng Việt như một danh từ chung chỉ một loại nước chấm như định nghĩa nêu trên (aforesaid) và do đó, bất kỳ ai cũng có quyền sử dụng. Sau đó đã có rất nhiều đơn vị khác cũng lấy tên tương tự, dưới đây là một số ví dụ:
– Công ty Miwon sử dụng nhãn hiệu Magi Good Morning
– Cơ sở tư nhân Ma Quốc Hùng sử dụng nhãn hiệu Magi B6
– Công ty Panco sử dụng nhãn hiệu Maggi Ngon và Magic Panco
– Cơ sở Anh Phong sử dụng nhãn hiệu Maggi
– Cơ sở Thanh Bình sử dụng nhãn hiệu Maggi
– Cơ sở Đức Tín sử dụng nhãn hiệu Maggi
– Cơ sở Hoàng Lan sử dụng nhãn hiệu Maggi
– Cơ sở Viễn Hương sử dụng nhãn hiệu Maggi….
Thời điểm đó với những thách thức này, chúng tôi và khách hàng của mình đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc thực thi quyền SHTT đối với nhãn hiệu Maggi và thậm chí cũng thể không ngờ được rằng cuộc hành trình trả lại đúng chỗ đứng (về Pháp lý) cho một nhãn hiệu nổi tiếng lại kéo dài lâu đến vậy.
Có lẽ trước hết cần phải đề cập đến xu hướng chung hóa tên riêng ở Việt Nam. Khuynh hướng chung hóa tên riêng trong tiếng Việt thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng và nhanh chóng. Thí dụ, Honda – một hãng xe hơi, xe gắn máy nổi tiếng từ Nhật trước đây đã có nhiều người gọi đó như từ chung để “chỉ xe gắn máy” (thôi, tiết kiệm ít tiền rồi mua honda mà chạy). Hay các từ khác như Mạnh Thường Quân (một viên quan nước Tề thời Chiến Quốc, có lòng hào hiệp, thương người), sau đã đi vào tiếng Việt được viết thường là mạnh thường quân chỉ “người giúp đỡ về mặt tài chính cho một công việc nào đó”; và Đạo Chích (thời Xuân Thu, em của Liễu Hạ Huệ, ăn trộm rất giỏi trong cung đình), sau đi vào tiếng Việt chỉ “kẻ cắp, kẻ trộm”, v.v….
Trở lại với từ maggi. Trong tiếng Việt hiện nay, từ này đã chung hóa cả về cách viết (là magi, ma-gi, ma di…), cách đọc (đọc ma di, mazi), và cách dùng (chỉ một loại nước chấm, cùng dòng với xì dầu, chứ không coi đó là một sản phẩm của hãng Nestlé). Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ và từ điển đã căn cứ vào ngữ liệu sử dụng trong giao tiếp xuất phát từ thực tế sử dụng khách quan của đời sống ngôn ngữ trong xã hội mà thống kê chứ không tùy tiện đặt ra theo ý chỉ chủ quan của mình hoặc bất kỳ ai.
Nhận thấy nguy cơ bị lu mờ nhãn hiệu đầy hiện hữu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa có các quy định liên quan đến vấn đề “nhãn hiệu nổi tiếng bị lu mờ” khi (bị) trở thành danh từ chung. Đại diện cho thân chủ, chúng tôi đã gửi công văn kèm các tài liệu, dẫn chứng tới Ban Biên tập Từ điển Bách khoa Việt Nam lần đầu vào năm 2000 đề nghị cơ quan này xem xét loại bỏ mục từ “maggi” ra khỏi từ điển tiếng Việt hoặc bổ sung thêm chú thích về nhãn hiệu Maggi nổi tiếng của Nestlé. Sau đó không lâu, nhận thấy phản hồi của Viện Ngôn ngữ học không đồng ý cho Nestlé bỏ mục từ trên ra khỏi từ điển hoặc chú thích thêm quyền SHTT với lý do chưa từng có tiền lệ. Trong một diễn biến khác, công ty chúng tôi đồng thời cũng gửi xin xác nhận quyền SHTT của Nestlé tại Việt Nam với nhãn hiệu Maggi tại Cục Sở hữu Trí tuệ. Cục SHTT sau đó đã ra công văn đề nghị Viện Từ điển không đưa mục từ này vào từ điển tiếng Việt vì đó là tên nhãn hiệu hàng hóa, chứ không phải tên thông thường. Đề nghị này một lần nữa không được Viện Từ điển chấp nhận, tuy nhiên có đoạn “khẳng định giá trị pháp lý của mục từ này với tư cách là nhãn hiệu hàng hóa và việc sử dụng vào mục đích kinh doanh như một nhãn hiệu hàng hóa sẽ tuân theo những quy định của pháp luật SHTT». Công văn này đã giúp chúng tôi giải quyết được một số vụ vi phạm nhãn hiệu Maggi khác của Nestlé, qua các cơ quan thực thi quyền. Tiếp tục theo đuổi chuỗi vụ việc, qua Đại sứ quán Thụy Sĩ, ở một động thái khác chúng tôi cũng nhờ sức ảnh hưởng và tác động của ông đại sứ tới Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cùng Giám đốc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, để giúp đỡ về vụ việc phức tạp này.
Cuộc hành trình đó diễn ra cách đây đã gần 2 thập kỷ với mục đích bảo vệ nhãn hiệu ”MAGGI” tại thị trường Việt Nam, chúng tôi – đại diện pháp lý của Nestlé cùng các bộ phận tập đoàn này đã tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và tâm huyết cuối cùng cũng đã có được một định nghĩa thỏa đáng cho từ Maggi/Magi trong từ điển tiếng Việt: «là nhãn hiệu của Nestlé đã đăng ký trên toàn cầu và ở Việt Nam, sử dụng cho nhiều loại sản phẩm gia vị dùng để nấu ăn, trong đó có nước chấm màu nâu đen». Với kết quả trên, Viện từ điển và Bách khoa thư đã chấp nhận thêm chú thích về quyền SHTT của Nestlé cho mục từ maggi trong tất cả các từ điển online và bản in, đồng thời thuyết phục các nhà xuất bản khác cùng áp dụng định nghĩa này.
Phát biểu trong ngày ra mắt một công trình nghiên cứu (dưới sự bảo trợ của Nestlé) công bố kết quả, khẳng định quyền SHTT đối với nhãn hiệu Maggi trong từ điển Việt Nam, ông Jean Pierre Maeder, Trưởng bộ phận Pháp luật về SHTT của tập đoàn Nestlé cho biết: “Với công trình nghiên cứu này, trường hợp của thương hiệu MAGGI trong ngôn ngữ đã trở thành trường hợp đầu tiên trên thế giới mà chủ sở hữu nhãn hiệu đã hợp tác thành công với các nhà khoa học để đưa thương hiệu trở về đúng vị trí của nó. Nghiên cứu về việc sử dụng và trình bày mục từ maggi trong từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam này đã mở ra một hướng đi mới cho các chủ sở hữu nhãn hiệu để giải quyết những xung đột nảy sinh với ngôn ngữ”. Đây được coi là một thắng lợi to lớn, một nỗ lực không ngừng nghỉ của không chỉ thân chủ chúng tôi và cả bản thân những luật sư kỳ cựu Banca với hành trình hơn 10 năm bền bỉ theo đuổi một chuỗi các vụ việc về bảo vệ quyền SHTT cho thương hiệu quốc tế tại một môi trường kinh doanh non trẻ như Việt Nam, đồng thời khẳng định cái “tâm” và cái “tầm” của người sáng lập của một trong những công ty Luật về SHTT hàng đầu trong những vụ việc phức tạp, thậm chí, chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.
Nếu bạn cần bất kỳ sự giúp đỡ, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi. Chúng tôi sẽ liên hệ lại với bạn sau 1 ngày làm việc. Hoặc nếu vội, hãy gọi ngay cho chúng tôi.
Call : +84 93 893 1313
mailbox@bancavip.com Thứ 2 – Thứ 6 08:30-18:00 (GTM+7)