+84 243 9433 007
·
mailbox@bancavip.com
·
Mon - Fri 08:30-18:00 (GMT+7)
Number #1
IP Law Firm in Vietnam
More than 20,000+
Successful cases
Trusted By
500+ Clients
Contact us

HỘI THẢO TRỰC TUYẾN “HIỆP ƯỚC CỦA WIPO VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ, NGUỒN GEN VÀ TRI THỨC TUYỀN THỐNG LIÊN QUAN THEO QUAN ĐIỂM CỦA CHÂU Á/ THÁI BÌNH DƯƠNG” NGÀY 04/09/2024

Hội thảo trực tuyến “Hiệp ước của WIPO về Sở hữu trí tuệ, Nguồn gen và tri thức truyền thống liên quan theo quan điểm của Châu Á/Thái Bình Dương” ngày 04/09/2024

Ngày 29/8/2024, Hiệp hội quốc tế về bảo vệ sở hữu trí tuệ (AIPPI- Association Internationale pour la Protection de la Propriété Intellectuelle) đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Hiệp ước của WIPO về Sở hữu trí tuệ, Nguồn gen và tri thức truyền thống liên quan theo quan điểm của Châu Á/Thái Bình Dương”

Hiệp Ước của WIPO về Sở Hữu Trí Tuệ, Nguồn gen và Tri thức truyền thống (WIPO Treaty on Intellectual Property, Gienetic Resources and Associated Traditional Knowledge) được cho là sẽ ảnh hưởng đến các thực tiễn về sở hữu trí tuệ trên toàn cầu, đặc biệt là tại những khu vực có nguồn sinh học và tri thức truyền thống phong phú và đa dạng. Vừa qua, các đại diện từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Úc đã chia sẻ quan điểm của họ xung quanh hiệp ước này và các tác động mà hiệp ước này có thể đem lại khi so sánh với thực tiễn hiện tại của từng quốc gia.

Bà Vidisha Garg, một đối tác tại Anand và Anand và là chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực luật sáng chế, đã khái quát lập trường chủ động của Ấn Độ trong việc bảo hộ tri thức truyền thống. Ấn Độ nổi tiếng với sự đa dạng sinh học phong phú và các hệ thống y học truyền thống cổ xưa, như Ayurveda, Siddha và Unani, đã có từ hơn một thiên niên kỷ. Vì vậy, quốc gia này đã từ lâu ưu tiên xây dựng các khung pháp lý để bảo vệ nguồn gen và tri thức truyền thống, điển hình là các đạo luật như Đạo Luật Bảo Hộ Giống Cây Trồng và Quyền của Nông Dân năm 2001, và Đạo Luật Đa Dạng Sinh Học năm 2002.

Kể từ năm 1994, Ấn Độ đã chứng kiến nhiều trường hợp mà các bằng sáng chế đã được cấp ở các quốc gia phát triển cho các phát minh dựa trên tri thức truyền thống của nước này. Trước tình hình đó, chính phủ Ấn Độ đã thành lập Thư Viện Kỹ Thuật Số Tri thức truyền thống (TKDL) vào năm 2001. Nền tảng số này lưu trữ tri thức truyền thống liên quan đến Ayurveda, Siddha, Unani và Yoga, giúp việc xác minh tính mới cũng như xác minh việc sử dụng tri thức truyền thống trong các phát minh trở nên dễ dàng hơn.

Nhờ đó, nhiều kết quả quan trọng đã đạt được, chẳng hạn như Cơ Quan Sáng Chế Châu Âu (EPO) vào năm 2010 đã quyết định hủy bỏ bằng sáng chế về các loại thảo dược dựa trên các tài liệu từ TKDL. Ngoài ra, Đạo Luật Sáng Chế Ấn Độ sửa đổi vào năm 2002 đã bổ sung Điều 10(4) (ii) yêu cầu bộc lộ đối với các vật liệu sinh học. Trong đó, người nộp đơn phải bộc lộ nguồn gốc và xuất xứ địa lý của vật liệu sinh học trong bản mô tả của phát minh, và gửi các mẫu sinh học của vi sinh vật đến một Cơ Quan Lưu Trữ Quốc Tế. Đạo luật sửa đổi này cũng đề cập đến việc không cấp bằng sáng chế cho các phát minh liên quan đến tri thức truyền thống theo Điều 3(p).

Hiện nay, Ấn Độ đã đồng bộ với hiệp ước liên quan đến các yêu cầu bộc lộ nguồn gen và dự kiến sẽ sớm sửa đổi Đạo Luật Sáng Chế Ấn Độ để phù hợp với Hiệp ước. Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ coi Hiệp Ước của WIPO là cơ hội để nâng cao việc bảo vệ nguồn gen và tri thức truyền thống của Ấn Độ trên quy mô toàn cầu, bất chấp một số hạn chế khi so sánh với các thực tiễn hiện có. Tại Ấn Độ, việc không bộc lộ nguồn gốc và xuất xứ địa lý của nguồn gen như hiện nay đang là cơ sở để đưa ra phản đối trước và sau khi cấp bằng sáng chế cũng như quyết định có chấm dứt hiệu lực của văn bằng hay không. Trong khi đó, Hiệp ước lại chỉ quy định các biện pháp xử lý trong trường hợp người nộp đơn có “ý định gian lận”. Ví dụ, có thể xảy ra trường hợp lạm dụng nghiêm trọng các tuyên bố khi người nộp đơn có thể dễ dàng tuyên bố rằng họ không biết đến nguồn gốc/xuất xứ của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống này. Theo đó, các nước đang phát triển sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc giám sát các tuyên bố như vậy.

Ông Ke Ke, Phó Giám đốc Bộ phận Pháp lý tại Văn phòng ở Bắc Kinh của China Patent Agient (H.K.) Ltd., đã nêu sơ lược các khung pháp lý hiện có của Trung Quốc liên quan đến nguồn gen được quy định theo Luật Sáng chế của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (2021) bao gồm các quy định về việc thu thập và sử dụng nguồn gen và yêu cầu bộc lộ nguồn gen và các Quy định về Thực thi Luật Sáng chế (2024) làm rõ hơn các định nghĩa và việc thẩm định các yêu cầu bộc lộ liên quan đến nguồn gen.

Mặt khác, các Quy định về thực thi Luật Sáng chế cũng đề cập đến hậu quả của việc không đáp ứng yêu cầu bộc lộ nguồn gen. Các thực tiễn hiện tại của Trung Quốc là phù hợp chặt chẽ với các yêu cầu của Hiệp ước của WIPO về việc bộc lộ nguồn gen, với các tiêu chuẩn tương tự đã được áp dụng từ năm 2009. Thực tế trong những năm qua cho thấy rằng các yêu cầu này không tạo ra quá nhiều gánh nặng cho người nộp đơn đăng ký sáng chế. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn thiếu các quy định cụ thể về tri thức truyền thống liên quan đến nguồn gen. Dự kiến Hiệp ước sẽ được Trung Quốc phê chuẩn và các quy định về nguồn gen cũng sẽ được áp dụng cho tri thức truyền thống. Điều này cũng được kỳ vọng sẽ dẫn đến việc phát triển thêm các quy định và hệ thống thông tin cho tri thức truyền thống, đồng thời đặt ra những thách thức như định nghĩa “tri thức truyền thống” và đảm bảo tính bảo mật trong khi cung cấp quyền truy cập cho các thẩm định viên. Thêm vào đó, các tiêu chuẩn thẩm định sáng chế liên quan đến tri thức truyền thống cũng như hệ thống thông tin cho nguồn gen và tri thức truyền thống cũng cần phải được thiết lập.

Tại Nhật Bản, ông Takeshi S. Komatani, hiện là luật sư chuyên về tranh tụng bằng sáng chế tại Văn phòng Sáng chế quốc tế TAKASHIMA trụ sở tại Osaka, Nhật Bản cho biết Nhật Bản không có luật cụ thể liên quan đến nguồn gen hoặc tri thức truyền thống. Tuy nhiên, quốc gia này đã gia nhập Công ước về Đa dạng sinh học (CBD) và tham gia ký kết Nghị định thư Nagoya, trong đó giải quyết vấn đề tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích. Do đó, họ đã quyết định không tham gia Hiệp ước mới của WIPO và không có sửa đổi nào đối với luật SHTT trong nước.

Người Ainu, một nhóm bản địa ở Nhật Bản, được công nhận về mặt văn hóa và lịch sử thông qua đạo luật được ban hành vào năm 2019. Tuy nhiên, đạo luật này không bao gồm các biện pháp bảo hộ SHTT cụ thể đối với tri thức truyền thống.

Quốc gia này có xu hướng tránh nộp đơn xin cấp bằng sáng chế ở các quốc gia có yêu cầu bộc lộ patent nghiêm ngặt. Ngoài ra, còn có xu hướng sử dụng bí mật thương mại hơn là nộp đơn xin cấp bằng sáng chế liên quan đến nguồn gen. Nhật Bản tham gia chương trình Hợp tác cơ sở dữ liệu trình tự nucleotit quốc tế (INSDC) nhưng không có các mục cụ thể liên quan đến tri thức truyền thống.

Cơ quan patent và Viện Di truyền học quốc gia (NIG) sẵn sàng hợp tác để cải thiện cơ sở dữ liệu nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn gen và tri thức truyền thống.

Ông Daniel Posker, luật sư về tranh chấp sở hữu trí tuệ giàu kinh nghiệm và Cố vấn đặc biệt tại Norton Rose Fulbright Australia đã cho biết rằng trước khi người Anh đến định cư vào năm 1788, các dân tộc bản địa ở Úc luôn tuân thủ các luật lệ truyền thống liên quan đến môi trường của riêng họ, bao gồm việc quản lý thực/ động vật và nông nghiệp. Ngày nay, hệ thống pháp lý của Úc hoạt động dưới luật pháp nói chung, với các luật sở hữu trí tuệ (IP) được quản lý bởi Chính phủ Liên bang và các luật môi trường được quản lý ở cả cấp liên bang và cấp bang/lãnh thổ.

Tuy rằng Úc không phải tham gia vào Nghị định thư Nagoya, nhằm đảm bảo việc chia sẻ công bằng và hợp lý các lợi ích phát sinh từ nguồn gen, nhưng các biện pháp hiện tại của Úc giống với các nguyên tắc của Nghị định thư Nagoya. Chẳng hạn, Đạo luật Bảo vệ Môi trường và Bảo tồn Đa dạng Sinh học năm 1999 yêu cầu các giấy phép cho việc tiếp cận và chia sẻ lợi ích (ABS) và yêu cầu sự đồng thuận có thông báo trước (FPIC) và các điều khoản thỏa thuận (MAT). Các điều khoản và quy định của bang và lãnh thổ, cùng với các biện pháp bảo vệ theo luật pháp nói chung, góp thêm phần bảo vệ nguồn gen (GR) và tri thức truyền thống (TK).

Liên quan đến sáng chế và quyền sở hữu giống cây trồng (PBR), Úc không có yêu cầu cụ thể về việc bộc lộ GR/TK trong các đơn đăng ký sáng chế hoặc PBR. Tuy nhiên, việc không bộc lộ thông tin như vậy, khi nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp bằng sáng chế hoặc PBR, có thể dẫn đến việc thu hồi bằng. Cơ quan sở hữu trí tuệ của Úc đang xem xét các cải cách thông qua Dự Án Tri Thức Bản Địa. Các thay đổi được đề xuất bao gồm thành lập một Ủy Ban Tư Vấn Bản Địa, xem xét các yêu cầu bộc lộ GR/TK trong các bằng sáng chế và PBR. Cũng có khả năng phát triển nhãn xác thực để quảng bá các sản phẩm bản địa.

Úc đang dự kiến phê chuẩn Hiệp Ước của WIPO, điều này sẽ đánh dấu sự công nhận quốc tế đầu tiên về những đóng góp của các dân tộc bản địa vào hệ thống sở hữu trí tuệ toàn cầu. Hiệp ước này phản ánh cam kết của Úc trong việc nâng cao tính minh bạch và bảo vệ tri thức văn hóa của các dân tộc bản địa Úc, đồng thời khai thác tiềm năng kinh tế của nó.

Theo các khảo sát tại Úc, phần lớn người tham gia tin rằng việc bộc lộ bằng sáng chế sẽ hỗ trợ ABS và FPIC và cải thiện tính minh bạch. Tuy nhiên, cũng có những mối lo ngại về việc cản trở nghiên cứu tiềm năng và gia tăng gánh nặng hành chính. Ngoài ra, đã có các đề xuất về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia cho GR/TK. Nhiều người cho rằng cơ sở dữ liệu như vậy sẽ cung cấp bằng chứng về quyền sở hữu và ngăn chặn việc cấp bằng sáng chế không phù hợp, trong khi những người khác lo ngại về việc bảo vệ kiến thức thiêng liêng/bí mật, chủ quyền dữ liệu của các dân tộc bản địa, và nguy cơ vô tình bộc lộ tri thức truyền thống.

Hiệp ước của WIPO là một bước quan trọng trong việc thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu trong việc bảo vệ nguồn gen và tri thức truyền thống. Khi các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, và Úc điều chỉnh các thực tiễn của họ theo hiệp ước, họ không chỉ nâng cao khung pháp lý về sở hữu trí tuệ mà còn đối phó với những thách thức phức tạp trong việc bảo tồn di sản văn hóa và đa dạng sinh học. Dĩ nhiên, việc thực hiện hiệp ước sẽ cần có sự đối thoại và điều chỉnh liên tục để đảm bảo việc bảo vệ hiệu quả và quyền tiếp cận công bằng cho tất cả các bên liên quan.

Việc xem xét và nghiên cứu áp dụng Hiệp ước của WIPO, cũng như tham khảo thực tiễn áp dụng tại một số nước ở châu Á có thể giúp các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam đưa ra các điều chỉnh phù hợp với luật SHTT dựa trên tình hình thực tế tại Việt Nam.

Vấn đề về bảo vệ nguồn gen và tri thức truyền thống đã được quy định tại Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12, được sửa đổi bởi Luật số 35/2018/QH14. Ngoài ra, văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen nhưng không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen có trong đơn đó được quy định tại khoản 1c điều 96 Luật SHTT sửa đổi năm 2022. Điều 100 của Luật sửa đổi này cũng quy định về tài liệu thuyết minh về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen trong đơn đăng ký sáng chế, đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen.

Mặc dù vậy, quy định cụ thể về bộc lộ nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen trong đơn xin cấp bằng sáng chế chưa được đề cập trong luật SHTT hiện hành. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng cần có thêm hướng dẫn cụ thể về thông tin nào phải bộc lộ trong bản mô tả, cách đánh giá thông tin đã bộc lộ trong thủ tục hủy bỏ hiệu lực của bằng sáng chế dựa trên điều 96 đã nêu, cũng như cần xây dựng hệ thống số hóa nguồn gen và khả năng truy xuất dữ liệu này khi cần thiết.

Related Posts

Leave a Reply