Thông báo về việc sửa đổi quy chế chương trình thử nghiệm hợp tác tra cứu và thẩm định (CSE) giữa cơ quan sở hữu trí tuệ Singapore và Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam
CSE là một chương trình hợp tác thử nghiệm lần đầu tiên trong ASEAN, giữa Cơ quan Sở hữu trí tuệ Singapore (IPOS) và Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam nhằm đẩy nhanh quá trình tra cứu và thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế cho những nhà đổi mới sáng tạo muốn nộp đơn đăng ký sáng chế ở cả hai nước. Các lợi ích của chương trình này là: (i) Kết quả tra cứu và thẩm định toàn diện và chất lượng; (ii) Quyền sáng chế bảo đảm hơn; (iii) Có kết quả thẩm định sớm hơn và (iv) Yêu cầu CSE miễn phí trong quá trình thử nghiệm.
Vừa qua, IPOS đã đề xuất với Cục Sở hữu trí tuệ việc sửa đổi Quy chế chương trình CSE giữa hai Cơ quan theo hướng mở rộng loại đơn có thể tham gia Chương trình và kéo dài thời hạn của Chương trình này thêm 02 năm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người nộp đơn. Trên cơ sở tạo thuận lợi cho người nộp đơn và tăng cường hợp tác thẩm định đơn đăng ký sáng chế giữa Việt Nam và Singapore, Cục Sở hữu trí tuệ đã nhất trí với các đề xuất sửa đổi của phía IPOS, cụ thể là:
- Loại bỏ điều kiện đơn nộp ở nước thứ nhất (Singapore hoặc Việt Nam) phải là đơn đầu tiên, tức là đơn không yêu cầu hưởng quyền ưu tiên và không phải là đơn tách (nêu ở điểm 2.1.d của Quy chế Chương trình CSE ban đầu), nhằm mở rộng loại đơn tham gia CSE;
- Loại bỏ điều kiện yêu cầu CSE nộp cùng ngày với tờ khai đăng ký sáng chế ở nước thứ nhất (nêu ở điểm 2.1.c của Quy chế Chương trình CSE ban đầu), mà chỉ cần đảm bảo CSE nộp cùng ngày với yêu cầu thẩm định nội dung để sau khi có Báo cáo CSE, người nộp đơn có thể đề nghị thẩm định sớm đơn tương ứng nộp ở nước thứ hai;
- Nếu người nộp đơn đã nộp yêu cầu thẩm định nội dung ở nước thứ hai, trong vòng 02 tháng kể từ ngày ban hành Báo cáo CSE, người nộp đơn có thể nộp Báo cáo CSE của nước thứ nhất để đề nghị ưu tiên thẩm định sớm ở nước thứ hai (xem điểm 3.12.b của Quy chế sửa đổi);
- Chương trình CSE thử nghiệm sẽ kéo dài từ ngày 01/03/2023 đến ngày 28/02/2027.
Trong khi đó, các điều kiện khác để tham gia Chương trình vẫn được giữ nguyên: Có đại diện/địa chỉ trong nước; Đơn có không quá 20 điểm yêu cầu bảo hộ, trong đó không quá 3 điểm yêu cầu bảo hộ độc lập; và Yêu cầu CSE phải trong giới hạn về số lượng (20 yêu cầu/năm, 2 yêu cầu/tháng và 2 yêu cầu cho mỗi cá nhân/tổ chức mỗi tháng).
Ngoài chương trình thử nghiệm này, Việt Nam cũng đang tham gia các chương trình khác để đẩy nhanh quá trình thẩm định sáng chế bao gồm chương trình PPH (Patent Prosecution Highway) hợp tác với Văn phòng sáng chế Nhật Bản (JPO); chương trình PPH hợp tác với Văn phòng Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc và chương trình ASPEC (ASEAN Patent Examination Co-operation. Trong khi các chương trình này chủ yếu liên quan đến việc tham khảo kết quả thẩm định của nước ngoài thì chương trình CSE là cả 2 văn phòng sáng chế tiến hành tra cứu và thẩm định cùng một trường hợp và trao đổi kết quả cho nhau. Điều này cho thấy sự nỗ lực hợp tác đáng kể giữa hai văn phòng.
Để có thông tin chi tiết về các nội dung sửa đổi, xin mời tham khảo Tài liệu hướng dẫn dành cho người nộp đơn tại đây:
Bản sửa đổi Quy chế chung giữa Cục và IPOS về CSE (Guidelines):
Bản sửa đổi Tài liệu hướng dẫn người nộp đơn CSE: