THẾ NÀO LÀ “HÀNG HÓA GIẢ MẠO SỞ HỮU TRÍ TUỆ”?
“Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ” được quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) 2005, sửa đổi và bổ sung năm 2009 như sau:
“1. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hóa sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.
3. Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.”
THẾ NÀO LÀ “HÀNG GIẢ”?
Trong khi đó, “Hàng giả” được quy định tại Điều 3.7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP như sau:
“a) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
c) Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;
d) Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;
dd) Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
e) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.”
Khái niệm “hàng giả mạo nhãn hiệu” nằm trong khái niệm hàng giả trong suốt một thời gian dài!
Hiện nay, hai khái niệm này đã được quy định và phân biệt khá rõ ràng, nhưng ít người biết rằng quá trình hình thành hai khái niệm này có rất nhiều rắc rối và chồng chéo trong một thời gian dài, dẫn đến sự nhầm lẫn cho các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan tư pháp trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến “hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ” và “hàng giả”.
Phải đến năm 2000, trong các văn bản pháp luật Việt Nam, định nghĩa thế nào là “hàng giả” mới được ghi nhận. “Hàng giả” bao gồm hàng giả về chất lượng và công dụng; hàng giả về nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; và giả về nhãn hàng hóa. Quy định này nằm tại Thông tư liên tịch Số 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT ngày 27/4/2000. Với quan niệm này, “hàng giả mạo nhãn hiệu” nằm trong khái niệm hàng giả. Điều này dẫn đến hậu quả là trong một thời gian dài, các tội danh liên quan đến “hàng giả mạo nhãn hiệu” bị xử lý giống tội danh liên quan “hàng giả”.
Đến năm 2005, Luật Sở hữu trí tuệ lần đầu tiên được ban hành, định nghĩa về “hàng giả mạo nhãn hiệu” mới có khái niệm rõ ràng theo Điều 213 như đã đề cập ở trên.
Năm 2013, Nghị định 185/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại sản xuất buôn bán hàng giả hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành, theo đó, Điều 3.8.g) có quy định “Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005”. Từ đây, pháp luật đã có sự phân biệt, dù rất nhỏ và khó nhận biết, giữa hai loại khái niệm “hàng giả” và “hàng hóa giả mạo nhãn hiệu”.
Cụ thể hơn, “hàng hóa giả mạo nhãn hiệu” tuy được “xếp chung” với các loại hàng giả khác về mặt khái niệm, nhưng nó đã được phân hóa khi xử lý. Cụ thể là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ được xử lý riêng theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, không được xử lý chung theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP như các loại hàng giả khác (xem: Điều 1.3 của Nghị định 185 quy định: các vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại về … sở hữu trí tuệ… thì áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan).
Tuy nhiên đến thời điểm 2013, “hàng giả mạo nhãn hiệu” vẫn nằm trong phạm vi của khái niệm “hàng giả”. Điều này dẫn đến rất nhiều bất cập trong việc xử lý các vụ việc liên quan “hàng giả” và “hàng giả mạo nhãn hiệu’. Đứng trước thực trạng đó, Bộ Tư pháp đã có văn bản số 3250/BTP-PLHSHC ngày 26/8/2019 gửi Thủ Tướng Chính phủ, đề xuất Chính phủ “sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan để đảm bảo có sự phân định rõ ràng giữa khái niệm hàng giả và hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, làm cơ sở cho việc xác định tội danh”. Đề xuất của Bộ Tư pháp đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Văn bản số 8172/VPCP-V.I ngày 11/9/2019.
Ngay sau đó, lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam, khái niệm “hàng giả” và “hàng hóa giả mạo nhãn hiệu” đã được phân định một cách rõ ràng bằng việc Nghị định 98/2020/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 185/2013/NĐ-CP. Cụ thể, khái niệm “hàng giả” đã không còn chứa đối tượng “Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ” nữa.
Nghị định 98 có hiệu lực từ ngày 15/10/2020, như vậy từ đây, các cơ quan thực thi, các cơ quan xét xử đã có đầy đủ các quy định pháp lý để phân biệt từ khái niệm đến các phương thức để xử lý giữa hai sự việc liên quan đến “hàng giả” và “hàng giả mạo sở hữu trí tuệ”.
Nếu bạn cần bất kỳ sự giúp đỡ, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi. Chúng tôi sẽ liên hệ lại với bạn sau 1 ngày làm việc. Hoặc nếu vội, hãy gọi ngay cho chúng tôi.
Call : +84 93 893 1313
mailbox@bancavip.com Thứ 2 – Thứ 6 08:30-18:00 (GTM+7)