Giỏ hàng
Xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài: Cần lưu ý gì về sở hữu trí tuệ?

Date: 24-08-2018 by: Banca IP Law Firm

Xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài: Cần lưu ý gì về sở hữu trí tuệ?

Ngoài các rào cản về thương mại khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam còn cần phải lưu ý tới rất nhiều vấn đề như nghiên cứu thị trường, tìm hiểu về văn hóa tiêu dùng nước sở tại, các rào cản thuế quan,... Quá nhiều việc cần quan tâm khiến doanh nghiệp Việt thường quên đi những lưu ý về pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT) tại thị trường xuất khẩu mà căn bản là việc đăng ký một nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm của doanh nghiệp.

Theo báo cáo khảo sát Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam VNR500, năm 2016 có tới 45% doanh nghiệp có ý định đầu tư ra nước ngoài trong vòng 5 năm tới, nhất là vào khối ngành công nghiệp/chế tạo và thương mại/dịch vụ. Điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất mà các doanh nghiệp này hướng đến là các nước US/NAFTA (Mỹ, Canada, Mexico), các nước châu Á đang phát triển (Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia) & đã phát triển, khu vực châu Phi và Trung Đông. Điều này cho thấy xu hướng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp đang tăng lên nhanh chóng. Cộng với việc Việt Nam đã và sắp ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương cũng như đa phương sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam phát huy thế mạnh, tháo gỡ hạn chế về thị trường xuất khẩu và tạo lập môi trường thương mại mới.

Sự tăng trưởng xuất khẩu và những đóng góp của nó vào tốc độ phát triển của nền kinh tế trong thời gian qua là một minh chứng cho thấy Việt Nam đã biết tận dụng các cơ hội này một cách hiệu quả. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nên trang bị cho mình những kiến thức pháp luật để đón đầu những lợi ích mà các hiệp định FTA thế hệ mới này sẽ mang đến, trong đó việc cần làm đầu tiên có lẽ là chủ động đăng ký những tài sản SHTT căn bản như nhãn hiệu tại những thị trường có tiềm năng khai thác lớn trong tương lai, hoặc tại thị trường xuất khẩu đã hoạt động mà doanh nghiệp chưa có điều kiện để đăng ký. Đăng ký một nhãn hiệu hàng hóa có thể nói là việc làm căn bản, chính là doanh nghiệp đang đầu tư cho tương lai để thâm nhập, chiếm lĩnh và kiểm soát thị trường mục tiêu.

Sau khi nhãn hiệu đã được đăng ký tại thị trường xuất khẩu sở tại, doanh nghiệp trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu/kiểu dáng công nghiệp sẽ đạt được những lợi ích lớn như được bảo hộ về mặt pháp lý, gia tăng giá trị kinh tế cho thương hiệu đồng thời là cơ sở quan trọng để giành lại thương hiệu nếu bị mất. Bên cạnh đó, việc chủ động đăng ký cũng hạn chế nguy cơ bị chiếm đoạt nhãn hiệu tại thị trường sở tại, loại bỏ các chi phí cho việc theo đuổi tranh chấp liên quan đến việc xác định chủ sở hữu nhãn hiệu như bài học nhãn tiền từ vụ việc của võng xếp Duy Lợi, nước mắm Phú Quốc, hay cà phê Buôn Mê Thuột… Trong khi đó, luật SHTT ở nước ngoài thường rất chặt chẽ và nghiêm khắc, chi phí luật sư và tranh tụng khá cao, thậm chí có thể làm phá sản doanh nghiệp, hoặc cấm kinh doanh trong khoảng thời gian nhất định nếu xâm phạm quyền SHTT của doanh nghiệp/chủ thể khác. Ngoài ra, chủ sở hữu nhãn hiệu được bảo hộ sẽ có độc quyền sử dụng nhãn hiệu tại lãnh thổ đó, quyền độc quyền này có thể chuyển giao cho các chủ thể khác thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc chuyển giao quyền sử dụng li-xăng. Và tất nhiên, thông qua những hợp đồng này, doanh nghiệp có thể thu được những khoản tiền tương đối lớn.

Khi doanh nghiệp có ý định đăng ký cần lưu ý nộp đơn sớm, ngay từ khâu tìm hiểu thị trường và có ý định kinh doanh nên dành khoảng thời gian là 2 năm trước khi tiến hành tung sản phẩm đối với đăng ký nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp, riêng đối với sáng chế thì cần thời gian lâu hơn. Ngoài ra, khi quyết định nộp hồ sơ, doanh nghiệp cần lưu ý tới chiến lược danh mục sản phẩm/dịch vụ đang và sắp sử dụng trong tương lai tránh trường hợp khi một bộ hồ sơ đã được nộp thì không thể bổ sung sản phẩm/dịch vụ vào đơn đăng ký hiện tại mà sẽ phải tiến hành chuẩn bị một đơn mới khác với chi phí nộp đơn tương đương.

Việc tra cứu trước khi nộp đơn đăng ký là không bắt buộc, tuy nhiên doanh nghiệp nên thực hiện vì nó sẽ giúp nhận định nhãn hiệu đó có khả năng bảo hộ hay không. Nếu sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đã đăng ký trước đó tại thị trường xuất khẩu bởi một công ty khác có thể bị coi là xâm phạm quyền của công ty đó. Doanh nghiệp vi phạm có thể bị yêu cầu ngừng sử dụng nhãn hiệu đó hoặc bị yêu cầu bồi thường thiệt hại cho hành vi xâm phạm. Việc tra cứu nhãn hiệu ở thị trường xuất khẩu có liên quan là một biện pháp cực kỳ cần thiết trước khi bắt đầu nghĩ đến chiến lược xuất khẩu và việc tra cứu này nên được thực hiện trước khi lựa chọn nhãn hiệu.

Theo các chuyên gia về luật SHTT, nếu doanh nghiệp không có kinh nghiệm nhận định khả năng bảo hộ của nhãn hiệu lựa chọn thì nên tìm đến các văn phòng luật chuyên về SHTT ở Việt Nam để được tư vấn, nắm rõ các quy định về pháp luật SHTT ở nước sở tại và tận dụng những chất lượng tư vấn, mối quan hệ và kinh nghiệm của đại diện, sự am hiểu địa phương trong việc giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động XNK của các doanh nghiệp Việt khi đưa hàng sang kinh doanh ở nước ngoài. Việc này về cơ bản sẽ tiết kiệm chi phí tương lai cho doanh nghiệp. Hơn nữa, theo quy định của luật pháp các nước, doanh nghiệp muốn kinh doanh tại thị trường nào cũng đều phải nộp đơn đăng ký thông qua đại diện SHTT ở nước sở tại.

Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản,… thường là những thị trường xuất khẩu truyền thống mà các doanh nghiệp Việt có hoạt động giao thương với các mặt hàng xuất khẩu chính như gạo, trái cây, thủy hải sản, cà phê, hồ tiêu,…Khi đăng ký nộp đơn nhãn hiệu tại những thị trường này, doanh nghiệp có thể chọn nộp đơn theo 1 trong 2 cách sau: một là đăng ký bảo hộ theo từng quốc gia; hai là đăng ký theo con đường quốc tế của Nghị định thư và Thỏa ước Madrid. Trong 2 con đường trên, đăng ký theo cách thứ 2 sẽ có lợi thế hơn hẳn so với việc đăng ký theo từng quốc gia bởi qua việc nộp một bộ hộ sơ duy nhất cho Tổ chức SHTT Thế giới (WIPO) thông qua Cục SHTT Việt Nam, chủ sở hữu nhãn hiệu/kiểu dáng công nghiệp có thể giành được quyền đăng ký nhãn hiệu tại tất cả 117 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, đăng ký bảo hộ theo từng quốc gia sẽ có lợi thế hơn. 

Để được tư vấn cụ thể cho từng vụ việc từng loại sản phẩm đặc thù, doanh nghiệp nên tìm đến những công ty SHTT có uy tín, hoạt động lâu năm trong nghề và cam kết về chất lượng dịch vụ như địa chỉ tin cậy dưới đây:

Công ty Sở hữu Trí tuệ BANCA - 15B Triệu Việt Vương, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Email: mailbox@bancavip.com

Hotline: 0243 9433 007

BANCA IP LAW FIRM - Giải pháp cho mọi vấn đề liên quan đến xác lậpthực thi quyền Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam!