Giỏ hàng
Thế nào là xâm phạm quyền? Những điều cần biết khi bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Date: 06-12-2018 by: Banca IP Law Firm

Thế nào là xâm phạm quyền? Những điều cần biết khi bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Các tài sản thuộc về sở hữu công nghiệp như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý,… là những tài sản sở hữu trí tuệ quý giá của mỗi doanh nghiệp. Hầu hết mỗi doanh nghiệp đều có tên thương mại hoặc sở hữu nhiều sản phẩm mang nhiều nhãn hiệu hàng hóa khác nhau và việc cần làm là sớm đăng ký bảo hộ những đối tượng này. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ dường như chưa ý thức được tầm quan trọng của chúng.

Chính vì thế, lời khuyên của cả các cơ quan nhà nước và các đại diện Sở hữu công nghiệp như chúng tôi là doanh nghiệp bạn nên xem xét một cách có hệ thống việc quản trị khối tài sản SHTT này bằng việc nộp đơn đăng ký tại Cục SHTT (có thể thông qua các đại diện SHCN được chứng nhận để được tư vấn gia tăng tỷ lệ bảo hộ thành công). Bởi chỉ khi đăng ký và được cấp Chứng nhận, bạn mới được quyền sử dụng hợp pháp và còn được bảo vệ quyền lợi chính đáng (thực thi quyền) khi chúng bị người khác, công ty khác xâm phạm.

Nếu doanh nghiệp bạn đang sử dụng các tài sản SHTT trên của người khác, bạn phải xem xét việc mua lại chúng hoặc mua quyền sử dụng các quyền đó thông qua việc ký kết hợp đồng chuyển giao hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng (hay còn gọi là hợp đồng Li-xăng) để tránh vướng phải các tranh chấp, kiện tụng vô cùng tốn kém trong tương lai. (Liên hệ công ty SHTT Banca để được tư vấn chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng SHCN và hợp đồng Li-xăng).

Trong mọi trường hợp, doanh nghiệp bạn nên xem xét việc tìm hiểu nghiêm túc cách tận dụng và quản trị danh mục tài sản SHTT của mình để phục vụ cho lợi ích bền vững và lâu dài. Cần lưu ý rằng các quyền SHTT này sẽ góp sức, hỗ trợ doanh nghiệp bạn mọi mặt từ lên phương án phát triển kinh doanh và xây dựng chiến lược cạnh tranh, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, lên kế hoạch marketing, kêu gọi vốn; cho đến tiến hành xuất khẩu, mở rộng hoạt động bán hàng ra nước ngoài thông qua các hợp đồng Li-xăng hoặc nhượng quyền thương hiệu Franchising.

Để hiểu rõ hơn các vấn đề trên, mời bạn theo dõi loạt bài khám phá thế giới SHTT, Hướng dẫn phổ biến kiến thức pháp luật SHTT của chúng tôi và những cơ hội, lợi ích mà SHTT có thể mang lại cho doanh nghiệp bạn.

Trước hết, cần hiểu quyền sở hữu công nghiệp là gì?

Theo Điều 4.4 Luật sở hữu trí tuệ số 50/2015 được sửa đổi bổ sung năm 2009: “Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh”.

Thứ hai, tìm hiểu về căn cứ phát sinh quyền Sở hữu công nghiệp:

Theo Điều 6.3 Luật sở hữu trí tuệ số 50/2015 được sửa đổi bổ sung năm 2009, Căn cứ phát sinh quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau:

a) Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký;

b) Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó;

c) Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó;

d) Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.

Thứ ba, thế nào là xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh? Đọc chi tiết quy định tại  ĐÂY

Thế nào là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý? Đọc chi tiết quy định tại  ĐÂY

Thế nào được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh? Đọc chi tiết quy định tại  ĐÂY.

Thứ tư, những điều cần biết khi bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp: Khi bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp cần phải làm gì? Chủ sở hữu quyền sẽ có những quyền gì khi các hành vi xâm phạm quyền sở công nghiệp xảy ra?

Theo điều 125, chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ và quyền ngăn cấm người khác sử dụng các đối tượng SHCN, cụ thể như sau:

Điều 125. Quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

  1. Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp nếu việc sử dụng đó không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
  2. Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý không có quyền cấm người khác thực hiện hành vi thuộc các trường hợp sau đây:

a) Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc mục đích phi thương mại hoặc nhằm mục đích đánh giá, phân tích, nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thử hoặc thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sản phẩm;

b) Lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp, trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài;

c) Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí chỉ nhằm mục đích duy trì hoạt động của các phương tiện vận tải của nước ngoài đang quá cảnh hoặc tạm thời nằm trong lãnh thổ Việt Nam;

d) Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp do người có quyền sử dụng trước thực hiện theo quy định tại Điều 134 của Luật này;

đ, Sử dụng sáng chế do người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện theo quy định tại Điều 145 và Điều 146 của Luật này;

e) Sử dụng thiết kế bố trí khi không biết hoặc không có nghĩa vụ phải biết thiết kế bố trí đó được bảo hộ;

g) Sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu nhãn hiệu đó đã đạt được sự bảo hộ một cách trung thực trước ngày nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đó;

h) Sử dụng một cách trung thực tên người, dấu hiệu mô tả chủng loại, số lượng, chất lượng, công dụng, giá trị, nguồn gốc địa lý và các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.

Chủ sở hữu bí mật kinh doanh không có quyền cấm người khác thực hiện các hành vi sau đây:

a) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh thu được khi không biết và không có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được một cách bất hợp pháp

b) Bộc lộ dữ liệu bí mật nhằm bảo vệ công chúng theo quy định tại khoản 1 Điều 128 của Luật này

c) Sử dụng dữ liệu bí mật quy định tại Điều 128 của Luật này không nhằm mục đích thương mại

d) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra một cách độc lập;

đ) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra do phân tích, đánh giá sản phẩm được phân phối hợp pháp với điều kiện người phân tích, đánh giá không có thoả thuận khác với chủ sở hữu bí mật kinh doanh hoặc người bán hàng.

Điều 198. Quyền tự bảo vệ

1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:

a) Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;

c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự quy định tại Điều 202 của Luật này và các biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Tìm hiểu về Hàng giả: Thế nào sẽ được coi là buôn bán, sản xuất hàng giả. Sản xuất hàng giả bị xử lý như thế nào theo quy định mới nhất của Pháp luật? tại ĐÂY