Giỏ hàng
Tại sao cần thay thế Luật Cạnh tranh cũ? Góc nhìn từ pháp luật cạnh tranh về SHTT

Date: 28-12-2018 by: Banca IP Law Firm

Tại sao cần thay thế Luật Cạnh tranh cũ? Góc nhìn từ pháp luật cạnh tranh về SHTT

Việt Nam mới ban hành Luật cạnh tranh 2018 để thay thế cho Luật cạnh tranh cũ được ban hành trước đó vào năm 2004. Văn bản pháp luật về cạnh tranh mới này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019. Trước đây một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định cả trong Luật Cạnh tranh 2004 và trong nhiều văn bản luật khác như Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại…, dẫn đến chồng chéo về thẩm quyền xử lý, gây khó khăn cho chủ thể quyền cũng như cho chính các cơ quan quản lý Nhà nước khiến cho hiệu quả thực thi không được như mong đợi.

Trước đây, cùng một hành vi vi phạm có thể có trường hợp đồng thời thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau. Chẳng hạn, theo Nghị định 71 quy định chi tiết về xử lý vi phạm trong lĩnh vực Cạnh tranh và Nghị định 99/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, hành vi chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn và hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh đều là hành vi cạnh tranh không lành mạnh về SHTT và sẽ thuộc thẩm quyền xử lý của cả Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương và thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ. Khi đó, việc cùng một hành vi vi phạm được quy định ở cả hai văn bản Luật khác nhau, thuộc thẩm quyền xử lý của các cơ quan khác nhau đã dẫn đến sự chồng chéo, gây khó khăn không nhỏ cho chủ thể quyền khi phải lựa chọn nộp đơn yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước nào xử lý vụ việc và bảo vệ quyền lợi cho mình khi bị xâm phạm hay tranh chấp quyền xảy ra.

Ngoài ra, sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý vào việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng dẫn đến khó khăn cho chính các cơ quan quản lý Nhà nước về thực thi pháp luật. Nhiều chuyên gia khẳng định, mặc dù đã được quy định trên văn bản luật là vậy nhưng trên thực tế, nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan Nhà nước có liên quan thì việc thực thi Pháp luật sẽ gặp rất nhiều vướng mắc, bởi rất khó xác định cơ quan nào có thẩm quyền thụ lý giải quyết chính, dễ dẫn tới tình trạng bên nọ nhường bên kia giải quyết kéo dài thời gian xử lý, gây thiệt hại cho chủ thể quyền và làm lợi cho bên vi phạm.

Qua thực tiễn 12 năm thi hành Luật Cạnh tranh 2004, những bất cập về vai trò của pháp luật cạnh tranh trong các vụ việc liên quan đến SHTT trên đã dẫn tới một nhu cầu bức thiết trong môi trường kinh doanh thời kỳ mới đó là cần phải thay thế các quy định và Luật Cạnh tranh mới ra đời. Chính vì vậy, khi Luật Cạnh tranh mới được thông qua và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019, chủ thể quyền chỉ cần mang đến đúng cơ quan thực thi mà các văn bản Luật chuyên ngành như Luật SHTT, Luật Quảng cáo, Luật Thương mại,… đã quy định để được thụ lý giải quyết. Và như vậy, tất cả các hành vi cạnh tranh không lành mạnh về SHTT ở Luật Cạnh tranh cũ từ nay sẽ được điều chỉnh bởi Luật SHTT. Theo các chuyên gia, những quy định về cạnh tranh không lành mạnh sẽ và phải đóng vai trò bổ sung cho các quy định về Luật SHTT để bảo vệ hiệu quả hơn các chủ thể quyền trong trường hợp chủ thể quyền không thể viện dẫn các quy định Luật về SHTT để bảo vệ mình. Điều này hoàn toàn hợp lô-gic bởi ngay từ khi Luật Cạnh tranh ra đời, các nhà làm luật đã mong muốn dùng luật cạnh tranh như là một công cụ để “lấp các lỗ trống” mà các luật chuyên ngành khác không thể điều chỉnh nhằm đảm bảo một môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh.

Banca IP Law Firm