Giỏ hàng
Những thương hiệu “nắm giữ” thế giới: Maggi của Nestlé và những vụ xâm phạm quyền SHTT – Kỳ 2

Date: 30-07-2018 by: Banca IP Law Firm

Những thương hiệu “nắm giữ” thế giới: Maggi của Nestlé và những vụ xâm phạm quyền SHTT – Kỳ 2

Mỗi doanh nghiệp đều cố gắng xây dựng thương hiệu nhằm kiến tạo một bản sắc riêng cho mình, để không bị pha trộn hay nhầm lẫn với các thương hiệu khác. Tuy nhiên, để xây dựng một thương hiệu mang tính bền vững và tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong tâm trí người tiêu dùng luôn là bài toán khó vì nó đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc cả về tư duy và chi phí. Điều này cũng lý giải tại sao việc đạo nhái thương hiệu ở Việt Nam diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này và vô tình hay hữu ý, đã vướng vào những sai phạm liên quan đến Pháp luật về Sở hữu trí tuệ (SHTT).

Theo thống kê năm 2017, các cơ quan chức năng đã xử lý gần 3000 vụ vi phạm hành chính về SHTT, tịch thu khoảng 100.000 sản phẩm vi phạm, với giá trị vi phạm vào khoảng trên 20 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 17 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2012 – 2015, lực lượng chức năng đã tiếp nhận gần 26.000 vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT với số tiền thu được từ xử lý đối với nhãn hiệu hàng hóa lên đến gần 97 tỷ đồng. Các vụ vi phạm quyền SHTT thường rất phức tạp và xảy ra ở mọi lĩnh vực kinh tế như nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ; kiểu dáng công nghiệp; sao chép băng đĩa, phần mềm; phụ tùng ô tô xe máy… trên khắp các tỉnh với giá trị kinh tế lớn.

Không chỉ các mặt hàng có giá trị lớn mới bị làm giả, mà những sản phẩm có giá trị không lớn như khăn giấy, nước chấm, thực phẩm… cũng bị đạo nhái tràn lan. Đó thường là những vi phạm của nhãn hiệu nổi tiếng ví dụ như nước chấm lấy tên Maggi, mì Hảo Hảo, võng xếp Duy Lợi… Thực trạng này đã không những gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp kinh doanh chân chính, mà còn khiến cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn dẫn đến mua phải sản phẩm không đúng cái mà họ cần. Ông Vũ Quốc Tuấn - Trưởng phòng Đối ngoại Công ty Nestlé Việt Nam, đại diện nhãn hàng Maggi cho biết, thời gian qua nhãn hiệu này bị làm giả, làm nhái rất nhiều vì thế Nestlé luôn mong muốn bảo vệ được quyền SHTT của nhãn hiệu này. Đây là thương hiệu độc quyền thuộc sở hữu của Tập đoàn Nestlé (Thụy Sĩ) đã có từ lâu đời và còn được coi là Nhãn hiệu Nổi tiếng. Thương hiệu này có bề dày lịch sử tồn tại trên 100 năm và cho đến ngày nay, Maggi cũng là thương hiệu thực phẩm toàn cầu với danh mục sản phẩm đa dạng từ dầu hào, hạt nêm, nước tương, sốt kho,…Riêng ở thị trường Việt Nam, các sản phẩm mang nhãn hiệu Maggi đều đã trở nên nổi tiếng và có mặt từ lâu.[Tham khảo bài 1: Những thương hiệu “nắm giữ” thế giới: Maggi của Nestlé và nguồn cảm hứng đến từ gia đình].

Đơn cử một vụ việc vi phạm của cơ sở chế biến gia vị Hùng Thắng có địa chỉ tại Hoài Đức, Hà Nội. Đơn vị trên đã bắt chước mẫu chai dầu hàonhãn sản phẩm Maggi của Nestlé cho sản phẩm gia vị nước chấm. Nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ chúng tôi đang bị xâm phạm nghiêm trọng, công ty chúng tôi, theo sự ủy quyền của Tập đoàn Nestlé (trụ sở tại 1800 Vevey, Thụy Sĩ) giải quyết mọi công việc liên quan đến xác lập và bảo vệ quyền SHTT của họ trên lãnh thổ Việt Nam đã gửi thư khuyến cáo tới cơ sở Hùng Thắng đề nghị đơn vị này chấm dứt việc sử dụng mẫu chainhãn sản phẩm cho sản phẩm “dầu hào” và các sản phẩm gia vị khác mà công ty này sản xuất. Đồng thời phải sửa lại cách trình bày mẫu nhãn sao cho không còn tương tự, gây nhẫm lẫn với nhãn sản phẩm dầu hào Maggi của Nestlé. Sau khi công văn được gửi đi kèm các chứng cớ xác thực về quyền SHTT của Nestlé đối với nhãn hiệu Maggi, đơn vị trên đã thừa nhận có bắt chước và cho thiết kế mới một nhãn cho khác đi so với mẫu chai và nhãn hiệu của Maggi. Tuy nhiên, mẫu chai thiết kế mới này vẫn được coi là không có sự thay đổi về tổng thể để dễ dàng nhận biết. Theo quy định của Luật SHTT và Luật Cạnh tranh, việc sử dụng mẫu chai Maggi của Nestlé mà cơ sở trên vi phạm được coi là đã sử dụng chỉ dẫn thương mại tương tự và dễ gây nhầm lẫn, chính là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh vì chỉ dẫn thương mại này đã được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam, được đông đảo người tiêu dùng cả nước biết đến.

Vụ việc sau đó diễn biến phức tạp hơn khi đơn vị trên đã nộp đơn xin cấp văn bằng bảo hộ độc quyền Kiểu dáng công nghiệp cho mẫu hình chai của sản phẩm dầu hào/nước tương mà thực tế không khác biệt đáng kể với mẫu chai cũ của họ và mẫu chai dầu hào Maggi hiện đang sử dụng của Nestlé. Trước tình hình đó, công ty chúng tôi đã nộp đơn Đề nghị hủy bỏ hiệu lực của Bằng độc quyền Kiểu dáng Công nghiệp đã được cấp của cơ sở chế biến thực phẩm, gia vị Hùng Thắng gửi tới Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ. Với những luận cứ xác đáng theo đúng các cơ sở pháp lý hiện hành, đơn vị trên cuối cùng cũng đã cam kết và xác nhận nghiêm túc thực hiện theo yêu cầu của Nestlé.

Không chỉ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ và vừa, nhãn hiệu Maggi cũng bị rất nhiều các nhãn hiệu lấy tên tương tự khác như Magi, Megi, Marri, Taggi, Tarri xâm phạm quyền SHTT, trong đó có công ty Miwon Việt Nam. Vụ vi phạm của công ty Miwon Việt Nam với dòng sản phẩm nước chấm mang nhãn hiệu “Magi Good Morning” với lập luận cho rằng việc sử dụng tên “Magi” để chỉ nước chấm và không ngoài mục đích gì hơn ngoài việc giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết đó là một sản phẩm nước chấm nên không thể khẳng định là yếu tố vi phạm nhãn hiệu Maggi của Nestlé. Vụ việc trên thực sự đã đặt ra một thách thức không hề nhỏ đối với thân chủ và công ty chúng tôi bởi ở thời điểm đó, mục từ “maggi” đang được Việt hóa một cách bất đắc dĩ khi nó trở thành danh từ chung chỉ một loại nước chấm. Diễn biến chi tiết của vụ vi phạm quan trọng này của Maggi - Nestlé, mời bạn đọc tiếp tục chờ đón topic tiếp theo của Hành trình chú thích quyền sở hữu trí tuệ của Nestlé đối với nhãn hiệu Maggi tại Việt Nam tiếp theo loạt bài này.

Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng thông tin từ bài viết này của Banca IP Law Firm!


BANCA IP LAW FIRM
- Giải pháp cho mọi vấn đề liên quan đến xác lập và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam!