Giỏ hàng
Những thương hiệu “nắm giữ” thế giới: Maggi của Nestlé và nguồn cảm hứng đến từ Gia Đình - Kỳ 1

Date: 20-07-2018 by: Banca IP Law Firm

Những thương hiệu “nắm giữ” thế giới: Maggi của Nestlé và nguồn cảm hứng đến từ Gia Đình - Kỳ 1

Nestlé là một thương hiệu ngành hàng FMCG về Thực phẩm, Tiêu dùng của Thụy Sĩ luôn được đánh giá cao trong Top Những Thương Hiệu Được Ưa Chuộng Nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí uy tín Forbes và Fortune. Biểu tượng tổ chim huyền thoại của Nestlé lấy cảm hứng từ hình ảnh ba chú chim non đang được chim mẹ mớm mồi thể hiện sự gắn kết trực quan giữa tên của người sáng lập, Henri Nestlé và sản phẩm đầu tiên khi ông phát minh ra ngũ cốc dành cho trẻ sơ sinh để cứu sống một Em Bé. Đó cũng chính là cách mà người dược sĩ này đã khởi sự từ cách đây hơn 150 năm để ngày nay các sản phẩm của Nestlé có mặt ở rộng khắp thế giới với một danh sách đồ sộ gồm hơn 2000 nhãn hiệu, đáp ứng những nhu cầu dinh dưỡng đa dạng của người tiêu dùng toàn cầu.

Tập đoàn Nestlé ra đời vào năm 1866 đặt trụ sở tại Vevey, Thụy Sĩ. Là công ty thực phẩm, đồ uống lớn nhất thế giới với mạng lưới sản xuất kinh doanh rộng khắp tại 191 quốc gia với 500 nhà máy, số lượng nhân viên lên đến 328.000 người. Và ở bất kỳ quốc gia nào, Nestlé cũng phát triển tốt, được người tiêu dùng nước đó đón nhận. 

Tại Việt Nam, Nestlé tiến hành hoạt động kinh doanh lần đầu vào năm 1912. Trải qua nhiều thập kỷ, các sản phẩm của Nestlé đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ người tiêu dùng Việt. Nestlé sau đó trở lại vào năm 1990 và cam kết là nhà đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Họ đã xây dựng tổng cộng 6 nhà máy sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng và sức khỏe tại tỉnh Đồng Nai với hơn 2000 nhân viên.

Nestlé hiện cũng là chủ sở hữu của hàng ngàn nhãn hiệu trong đó có nhiều nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như: Nescafe, Milo, Nestea, Nesvita, Kitkat, Lavie, Cerelac, Nan,… và nhiều nhãn hiệu khác có trị giá hàng tỷ đô đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Trong số đó không người tiêu dùng nào có thể quên nhắc đến Maggi, một nhãn hiệu nước chấm trứ danh đã gắn liền với căn bếp của bao thế hệ gia đình Việt từ thời Pháp thuộc.

Các sản phẩm mang nhãn hiệu “MAGGI” cũng có một lịch sử đáng tự hào giống như câu chuyện đầy cảm hứng của người sáng lập Tập đoàn Nestlé. Tên nhãn hiệu cũng được đặt theo tên người sáng lập, Julius Michael Johanns Maggi, một cậu bé nghịch ngợm học chưa hết lớp 10 nhưng đã sớm bộc lộ năng khiếu kinh doanh thiên bẩm trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp tại Trung Âu bắt đầu hưng thịnh thời kỳ cuối thế kỷ XIX.

Từ những năm 1935, nhãn hiệu Maggi đã được giới thiệu tới những người dân Đông Dương ở 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Sản phẩm nước tương Maggi theo chân người Pháp vào Việt Nam và dần được mọi người biết đến như một loại “nước chấm màu nâu đen thường làm từ nguyên liệu có chứa nhiều chất đạm”. Ngày qua ngày, Maggi đã chinh phục người tiêu dùng như một nguồn bổ sung chất đạm quan trọng trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn. Từ đó, Maggi đã trở thành biểu tượng chung cho tất cả các loại xì dầu trong tâm thức người Việt. Giai đoạn từ năm 1939 đến năm 1947, số lượng bán hàng đã tăng vọt từ 15 tấn lên 51 tấn. Thứ nước chấm nâu sánh đậm đà đựng trong hình một chai thân vuông cổ tròn có kiểu dáng đặc biệt này ngày nay có thể dễ dàng bắt gặp trên rất nhiều sản phẩm khác như gia vị kết tinh, nước chấm, dầu hào, nước tương, bột gà, sốt kho,… mà các đầu bếp chuyên nghiệp hay dùng cũng như xuất hiện trong nhiều gian bếp gia đình Việt Nam. Ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ tên tuổi cho mình, ngay từ những năm 1916, nhãn hiệu “MAGGI” đã được chú trọng nộp đơn đăng ký bảo hộ theo cả con đường quốc gia và quốc tế tại nhiều nước trên thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, nhãn hiệu “MAGGI” đã được cấp văn bằng bảo hộ đăng ký theo con đường quốc gia tại 156 nước và theo con đường quốc tế tại hơn 50 nước.

Không chỉ được đăng ký bảo hộ, nhãn hiệu này của Nestlé đã được sử dụng rộng rãi tại gần 200 quốc gia trên thế giới. Hàng năm, Maggi đạt được rất nhiều giải thưởng uy tín về thương hiệu tại Châu Á như Reader’s Digest Trusted Brand (Thương hiệu uy tín của Tạp chí tiêu dùng Reader’s Digest – tạp chí tiêu dùng bán chạy nhất thế giới) từ năm 1999 đến năm 2010, tại Malaysia và Singapore cho sản phẩm “gia vị”; từ năm 2006 đến năm 2010, nhãn hiệu này cũng đạt được giải thưởng Nhãn hiệu uy tín tại Philippine cho sản phẩm tương tự; nhãn hiệu đã đạt giải thưởng uy tín cho sản phẩm “đồ ăn liền” tại Malaysia, Singapore, và Hồng Kông. Năm 2009, nhãn hiệu “MAGGI” đứng thứ 35 trên tổng số 100 nhãn hiệu uy tín tại Ấn Độ theo thống kê của Tạp chí Kinh Tế (Economic Times). Năm 2010, nhãn hiệu này đã được xếp thứ 18. Maggi cũng được công nhận là Nhãn hiệu Nổi tiếng tại nhiều nơi trên thế giới như Thụy Sĩ, Đức, Pháp, Cộng đồng Châu Âu (27 quốc gia), Bulgari, Thổ Nhĩ Kì, v.v.. và năm 2017, đây cũng là thương hiệu Thực phẩm được chọn mua nhiều nhất trong 2 năm liền liên tiếp theo báo cáo Brand Footprint toàn cầu.

Các nhãn hiệu MAGGI đã và đang là tài sản trí tuệ quý giá của Công ty Nestlé và được tất cả các quốc gia trên thế giới, nơi Nestlé có hoạt động kinh doanh, bảo hộ theo Pháp luật về Sở hữu trí tuệ của nước sở tại, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn hiện nay đó là thương hiệu càng nổi tiếng và độ nhận biết với người tiêu dùng càng cao thì việc bị xâm phạm quyền về sở hữu trí tuệ cũng ngày càng nhiều, đặt ra những thách thức không nhỏ cho Pháp luật Thực thi quyền về Sở hữu trí tuệ. Chính vì lẽ đó mà Nestlé, chủ sở hữu độc quyền nhãn hiệu Maggi cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và các nhãn hiệu có chứa từ MAGGI. Diễn biến những vụ vi phạm quyền về nhãn hiệu này mời bạn đọc tiếp tục theo dõi trên số kỳ 2 của loạt bài này.

Còn tiếp…

Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng thông tin từ bài viết này của Banca IP Law Firm!


BANCA IP LAW FIRM - Giải pháp cho mọi vấn đề liên quan đến xác lập và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam!