Giỏ hàng
Nhái thương hiệu du lịch quá tràn lan: Doanh nghiệp du lịch cần làm gì?

Date: 20-09-2019 by: Banca IP Law Firm

Nhái thương hiệu du lịch quá tràn lan: Doanh nghiệp du lịch cần làm gì?

Làm nhái, giả trang web, sản phẩm, thương hiệu của các 'ông lớn' trong hoạt động kinh doanh lữ hành và du lịch những năm gần đây trở thành một vấn nạn nan giải và có chiều hướng nghiêm trọng hơn…

Nhái thương hiệu du lịch tràn lan

Vừa qua, Công ty Ginkgo hoạt động trong lĩnh vực đại lý du lịch đã bị một số đối tượng nhái tên thương hiệu của doanh nghiệp (DN), khiến công ty này bị ảnh hưởng không nhỏ, doanh thu bị suy giảm và tổn hại uy tín hình ảnh dày công xây dựng lâu năm. Đối với một ngành nghề kinh doanh dịch vụ đặc thù như du lịch thì thương hiệu có một giá trị rất lớn đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ của họ.

Sau khi bị nhắc nhở về vi phạm hành chính, phía công ty giả mạo đã thêm thanh dấu gạch ngang, hoặc thêm, bớt, đi một chữ để làm khác biệt và nhằm biện minh cho hành vi xâm phạm của mình. Tuy nhiên, điều này vẫn không giúp khác biệt hóa nhiều và tạo sự riêng biệt, vẫn dễ gây nhầm lẫn về tên thương hiệu cho nhiều khách hàng của Ginkgo.

Ở một trường hợp khác, Chủ tịch công ty Lửa Việt Tour, ông Nguyễn Văn Mỹ cũng chia sẻ, không có ngành nào mà hàng nhái, hàng giả dễ làm như du lịch. Ông kể, có lần nghe một khách hàng cho biết mới, họ đặt tour đi miền Trung qua Công ty Lửa Việt chi nhánh Nam Định, ông tá hỏa vì Lửa Việt chưa từng lập chi nhánh tại Nam Định và thời gian đó công ty cũng không tổ chức tour đi miền Trung. Tìm hiểu kỹ thì phát hiện một công ty có tên na ná như công ty của ông là Công ty TNHH hành trình Lửa Việt, có trụ sở tại Nam Định và cũng kinh doanh dịch vụ lữ hành. “Khi biết thông tin này, chúng tôi rất bức xúc vì thương hiệu Lửa Việt được công ty cố gắng xây dựng nhiều năm qua giờ bị một công ty khác nhái lại”.

Tương tự, bà Trần Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị - truyền thông, Công ty cổ phần Fiditour, cho biết sau những đợt ra mắt trang web mới với giao diện bắt mắt và tính năng tiện ích cho khách hàng, Fiditour thường bị sao chép nhanh chóng về hình thức, nội dung và cả các chương trình chăm sóc khách hàng. Tình trạng này thường xuyên xảy ra ở các công ty du lịch nhỏ, không có thương hiệu trên thị trường. Cách họ làm là đẩy mạnh quảng cáo trên những kênh truyền thông mạng và thường bán tập trung vào mùa cao điểm. “Fiditour cũng đã làm việc với một số công ty chuyên sao chép này khi vấn đề nghiêm trọng nhưng vẫn không khắc phục được”.

Không chỉ gây tổn hại đến uy tín của nhiều công ty du lịch mà nhiều trường hợp, du khách cũng thiệt hại lớn vì sự "nhầm lẫn" cố ý này. Doanh nghiệp kinh doanh chân chính cần làm gì?

Những vi phạm liên quan đến tên miền nêu trên hoàn toàn có thể được xử lý bằng biện pháp hành chính, biện pháp tư pháp hoặc trọng tài.

nhái thương hiệu du lịch

Tình trạng vi phạm, nhái tên thương hiệu trong lĩnh vực du lịch ngày càng phổ biến, làm đau đầu những chủ doanh nghiệp kinh doanh chân chính - ảnh minh họa

Cơ sở pháp lý để xử lý hành chính đối với tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ về cơ bản đã được thiết lập. Trong đó, phải kể đến các quy định pháp luật hiện hành của Luật Sở hữu trí tuệ (Điều 130), Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (Điều 11, Điều 14) và Thông tư 11/2015/TT-BKHCN ngày 26/6/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 99/2013/NĐ-CP (Điều 10, Điều 19). Tuy nhiên, trong thời gian qua, do còn một số vướng mắc, những vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ liên quan đến tên miền chưa được xử lý triệt để, hầu hết các trường hợp tên miền vi phạm chưa bị thu hồi theo quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP và Thông tư 11/2015/TT-BKHCN. 

Nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, tháo gỡ những vướng mắc trong xử lý tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ, giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ, liên Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN hướng dẫn trình tự, thủ tục thay đổi, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ vào ngày 8/6/2016 (có hiệu lực từ ngày 25/7/2016).

Thông tư liên tịch số 14 quy định về các biện pháp xử lý tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, bao gồm: biện pháp khắc phục hậu quả buộc thay đổi thông tin tên miền “.vn”, biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả lại tên miền “.vn”, biện pháp thu hồi tên miền “.vn”; trình tự, thủ tục thay đổi thông tin tên miền, trả lại tên miền và thu hồi tên miền “.vn”; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan trong xử lý tên miền “.vn” vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. Dưới đây là một số vấn đề cần lưu ý trong việc triển khai áp dụng Thông tư này.

Đối với hành vi đăng ký, chiếm giữ tên miền nhằm mục đích lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý quy định tại Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ vẫn có quyền yêu cầu và cơ quan có thẩm quyền vẫn tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP.

Điều 130. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh

(Luật Sở hữu trí tuệ)

d) Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.

Sau khi Thông tư số 14 có hiệu lực thì biện pháp thu hồi tên miền khó được áp dụng đối với chủ thể thực hiện hành vi đăng ký, chiếm giữ tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, kết luận và quyết định xử phạt của cơ quan xử lý vi phạm là cơ sở pháp lý quan trọng để chủ thể quyền tiếp tục nộp đơn khởi kiện tại Tòa án theo quy định tại Luật Công nghệ thông tin, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính Phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, cuộc chiến chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự hợp tác một cách chủ động, tích cực của các DN. Lực lượng chức năng thực thi cũng sẽ luôn đồng hành cùng DN, bảo vệ quyền lợi cho DN. Nhưng DN cũng phải nâng cao trách nhiệm của mình trong việc giám sát, quản lý chặt chẽ và thường xuyên cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng khi phát hiện đối tượng giả mạo, xâm phạm quyền lợi của mình để lực lượng chức năng có thể kịp thời kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định…

Tuy nhiên, để được bảo vệ theo khuôn khổ quy định của Thông tư nêu trên và được bảo vệ theo khuôn khổ quy định về thực thi quyền và xử lý xâm phạm của Luật Sở hữu trí tuệ thì DN cần thực hiện việc đăng ký tên miền, tên nhãn hiệu theo đúng quy định của 2 Luật Sở hữu trí tuệ và cả Luật Công nghệ thông tin. Để được tư vấn đăng ký nhãn hiệu nhằm bảo vệ tên tuổi, thương hiệu đã dày công xây dựng lâu năm của DN mình, quý công ty vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn:

Công ty Sở hữu Trí tuệ BANCA - 15B Triệu Việt Vương, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Vui lòng nói rõ Quý công ty biết tới chúng tôi qua bài viết này khi email tới: mailbox@bancavip.com

Hotline: 0243 9433 007 / 008

Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng thông tin từ bài viết này của Banca IP Law Firm!

BANCA IP LAW FIRM - Giải pháp cho mọi vấn đề liên quan đến xác lập và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam!

Tổng hợp: Banca IP Law Firm