Giỏ hàng
Một số quy định thay đổi về Sở hữu trí tuệ sau khi Việt Nam gia nhập CPTPP

Date: 27-02-2019 by: Banca IP Law Firm

Một số quy định thay đổi về Sở hữu trí tuệ sau khi Việt Nam gia nhập CPTPP

Cục Sở hữu trí tuệ vừa ra thông báo về việc thay đổi áp dụng một số quy định về Sở hữu trí tuệ sau khi Việt Nam vừa gia nhập CPTPP như sau:

1, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Theo nguyên tắc Đối xử quốc gia và nguyên tắc Tối huệ quốc của Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS), nguyên tắc Đối xử quốc gia của Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, các nội dung hướng dẫn dưới đây được áp dụng đối với các đơn được nộp bởi các tổ chức, cá nhân là công dân của các nước là thành viên của WTO hoặc Công ước Paris,

  • Các đơn đăng ký yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế/Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có ngày nộp đơn từ ngày 14/1//2019 trở về sau, hoặc:
  • Các đơn đăng ký CDĐL có ngày nộp đơn từ ngày 14/1/2019 trở về sau.

2, NỘI DUNG ÁP DỤNG

Điều 18.27

Không được yêu cầu đăng ký việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu để:

  • Xác lập hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng,
  • Là điều kiện để xem việc sử dụng của bên nhận chuyển quyền là việc sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu trong thủ tục xác lập, duy trì và thực thi quyền đối với nhãn hiệu

Về cách thức áp dụng:

Kể từ ngày CPTPP có hiệu lực, các hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có giá trị pháp lý đối với bên thứ 3 không phụ thuộc vào việc đăng ký tại Cục SHTT (thay vì quy định tại Khoản 2 điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ).

Việc sử dụng nhãn hiệu theo quy định tại khoản 5 điều 124 Luật SHTT bởi bên được chuyển quyền theo hợp đồng chuyển quyền sử dụng được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu trong các thủ tục xác lập, duy trì và thực thi quyền đối với nhãn hiệu mà không phụ thuộc vào việc đăng ký hợp đồng đó tại Cục SHTT.

Điều 18.32.1.b

Trong thủ tục bảo hộ hoặc công nhận chỉ dẫn địa lý, phải quy định chỉ dẫn địa lý có thể bị từ chối khi có ý kiến của người thứ 3 phản đối việc bảo hộ hoặc công nhận chỉ dẫn địa lý này trên cơ sở việc bảo hộ hoặc công nhận chỉ dẫn địa lý đó có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Về cách thức áp dụng:

Khi có ý kiến của người thứ 3 liên quan đến đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý, Cục SHTT tiếp nhận và xử lý theo quy định tại điểm 6 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN.

Ý kiến phản đổi đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý của người thứ 3 với lý do là chỉ dẫn địa lý “có khả năng gây nhầm lẫn” đối với nhãn hiệu của người khác đang được bảo hộ phải được xem xét thay vì “sẽ gây nhầm lẫn” theo quy định tại khoản 3 điều 80 Luật SHTT.

Việc đánh giá khả năng gây nhầm lẫn phải tính đến thực tế là chỉ dẫn địa lý thường là đối tượng tồn tại trước (không phục thuộc vào việc đăng ký) và được nhiều người biết đến, thậm chí nổi tiếng, do đó, có khả năng “bị nhầm lẫn” nhiều hơn là “gây nhầm lẫn” cho nhãn hiệu.

Điều 18.32.5

Nếu bảo hộ hoặc công nhận dạng dịch nghĩa hoặc phiên tự của chỉ dẫn địa lý theo thủ tục hành chính thì thủ tục đó và cơ sở về việc bảo hộ/hủy bỏ phải tương đương/trùng với thủ tục và các cơ sở áp dụng cho CDĐL thông thường.

Các đơn đăng ký CDĐL ở dạng dịch nghĩa hoặc phiên tự được nộp kể từ ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực được xử lý như đối với đơn đăng ký CDĐL thông thường.

Điều 18.33

Khi đánh giá một thuật ngữ có phải là tên gọi chung của hàng hóa tại VN, cơ quan có thẩm quyền phải có quyền xem xét xem người tiêu dùng hiểu thuật ngữ đó tại VN như thế nào.

Về cách thức áp dụng:

Trong quá trình thẩm định đơn đăng ký CDĐL, đối với đơn đăng ký CDĐL được nộp kể từ ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực, việc đánh giá xem một thuật ngữ có phải là tên gọi chung của hàng hóa tại Việt Nam hay không theo quy định tại Khoản 1 Điều 80 Luật SHTT phải dựa trên việc người tiêu dùng tại Việt Nam hiểu thuật ngữ đó như thế nào, trong đó có thể bao gồm các tiêu chí:

  • Thuật ngữ có hay không được sử dụng để đề cập đến loại hàng hóa đang được xem xét tại các nguồn thông tin như từ điển, báo chí, báo cáo nghiên cứu thị trường, các website liên quan
  • Sản phẩm được đề cập bởi thuật ngữ đó được đưa ra thị trường và sử dụng trong thương mại như thế nào tại Việt Nam (sử dụng trong tiêu chuẩn quốc tế được thừa nhận để đề cập đến một loại hoặc nhóm hàng hóa, ví dụ: biểu thuế XNK…)

Điều 18.34

Không bảo hộ một thành phần trong một thuật ngữ đa thành phần được bảo hộ dưới dạng CDĐL, nếu thành phần đó là tên gọi chung của hàng hóa có liên quan

Về cách thức áp dụng: đối với đơn đăng ký CDĐL được nộp kể từ ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực, khi đánh giá CDĐL là thuật ngữ đa thành phần, trong đó có thành phần được xác định là đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa tại Việt Nam, thì khi chấp nhận bảo hộ CDĐL đó, phải loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ (không bảo hộ riêng) đối với thành phần đó.

Điều 18.38

Trong việc xác định sáng chế có mới hoặc có trình độ sáng tạo hay không, mỗi Bên phải bỏ qua ít nhất là các thông tin đã được bộc lộ công khai nếu việc bộc lộ công khai này:

  • Do người nộp đơn Sáng chế hoặc người có được thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp từ người nộp đơn sáng chế thực hiện,
  • Xảy ra trong vòng 12 tháng trước ngày nộp đơn trong lãnh thổ của bên đó

Về cách thức áp dụng:

Kể từ ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực, quy định tại khoản 3 điều 60 Luật SHTT về các trường hợp sáng chế không bị coi là mất tính mới được áp dụng như sau:

  • Sáng chế được bộc lộ công khai bởi người có quyền đăng ký sáng chế hoặc người có được thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp từ người có quyền đăng ký sáng chế (bất kể cách có được thông tin này là có sự đồng ý hay không của người có quyền đăng ký sáng chế); và
  • Việc bộc lộ công khai trong trường hợp nêu trên xảy ra trong thời hạn không quá 12 tháng trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế tại Cục SHTT (không tính ngày ưu tiên)
  • Thông tin bộc lộ công khai trong trường hợp nêu trên không được lấy làm tài liệu đối chứng (không được “tình trạng kỹ thuật”) để xác định tính mới hoặc trình độ sáng tạo của sáng chế liên quan.

Nguồn: Theo Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ