Giỏ hàng
Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp theo đúng Luật cần thực hiện như thế nào? (1)

Date: 22-07-2019 by: Banca IP Law Firm

Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp theo đúng Luật cần thực hiện như thế nào? (1)

Một đối tượng sở hữu công nghiệp (SHCN) có thể được coi là tài sản của doanh nghiệp và hoàn toàn có thể đem lại lợi nhuận không nhỏ cho chủ sở hữu khi đối tượng SHCN đó (nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế, hay giải pháp hữu ích) được khai thác thương mại thông qua việc li-xăng quyền sử dụng hoặc chuyển giao hẳn quyền sở hữu đối tượng SHCN đó cho người khác, doanh nghiệp khác. Bài viết này của chúng tôi sẽ giúp quý khách hàng có nhu cầu tìm hiểu về việc chuyển giao quyền sở hữu để quý khách hàng có thể nắm được và có những hình dung căn bản để khai thác lợi nhuận được từ các đối tượng SHCN mà mình đang sở hữu.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), chuyển nhượng quyền SHCN là việc chủ sở hữu quyền SHCN chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Vậy,

Những đối tượng sở hữu công nghiệp nào không được chuyển nhượng quyền?

- Đối với chỉ dẫn địa lý: không được chuyển nhượng quyền của đối tượng này.

- Đối với nhãn hiệu: không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

- Đối với tên thương mại: chỉ được chuyển nhượng khi chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.

Chủ sở hữu quyền SHCN chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ. Việc chuyển nhượng quyền SHCN phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản.

Những nội dung tối thiểu trong hợp đồng chuyển nhượng theo quy định của Pháp luật?

  1. Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.
  2. Chi tiết của đối tượng được chuyển nhượng (chính là thông tin về nhãn hiệu, bằng độc quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích đã được cấp)
  3. Căn cứ chuyển nhượng
  4. Giá chuyển nhượng (và hình thức thanh toán)
  5. Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.

Có cần đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền SHCN tại Cục Sở hữu trí tuệ?

Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký theo quy định* của Luật SHTT, hợp đồng chuyển nhượng quyền SHCN chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại Cục SHTT Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị các khách hàng nên tìm đến các đại diện SHCN được cấp phép của Cục SHTT như công ty Banca chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn các quy định về chuyển nhượng và thực hiện đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền SHCN tại cơ quan nhà nước trên.

*Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.

Quý doanh nghiệp, cá nhân cần tư vấn cụ thể và chính xác để chuyển nhượng các thương vụ được thuận lợi và thành công, vui lòng liên hệ văn phòng Luật chúng tôi – Đại diện Sở hữu trí tuệ được cấp phép của Cục Sở hữu trí tuệ:

Công ty Sở hữu Trí tuệ BANCA - 15B Triệu Việt Vương, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Vui lòng nói rõ Quý công ty biết tới chúng tôi qua bài viết này khi email tới: mailbox@bancavip.com

Hotline: 0243 9433 007 / 008

Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng thông tin từ bài viết này của Banca IP Law Firm!

BANCA IP LAW FIRM - Giải pháp cho mọi vấn đề liên quan đến xác lập và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam!

Banca IP Law Firm