Giỏ hàng
Li-xăng là gì và cần thực hiện như thế nào cho đúng Luật (2)?

Date: 28-07-2019 by: Banca IP Law Firm

Li-xăng là gì và cần thực hiện như thế nào cho đúng Luật (2)?

Tiếp tục serie bài viết về việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), Banca chúng tôi đã giới thiệu những nội dung căn bản cho quý doanh nghiệp khi bạn muốn chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu/kiểu dáng công nghiệp/sáng chế/giải pháp hữu ích cho doanh nghiệp khác tại ĐÂY(kỳ 1). Trong serie kỳ này chúng tôi tiếp tục hướng dẫn quý khách hàng một số lưu ý cơ bản để li-xăng quyền sử dụng các đối tượng SHCN nêu trên một cách hợp pháp, đúng luật và suôn sẻ theo đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. 

Li-xăng quyền sử dụng SHCN là gì?

Chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN hay li-xăng là việc chủ sở hữu đối tượng SHCN cho phép tổ chức, cá nhân khác được quyền sử dụng đối tượng SHCN thuộc phạm vi sử dụng của mình. Việc chuyển quyền sử dụng này phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản. Ngoài ra, bên nhận chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bất kỳ bên thứ ba nào, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép. Và khi nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu đó, bên nhận chuyển quyền phải ghi chỉ dẫn trên bao bì hàng hóa về việc hàng hóa đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.

Những đối tượng sở hữu công nghiệp nào không được chuyển giao quyền sử dụng?

- Đối với chỉ dẫn địa lý, tên thương mại: không được chuyển giao

- Đối với nhãn hiệu tập thể: không được chuyển giao cho người khác nếu họ không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó.

Những nội dung tối thiểu trong hợp đồng li-xăng theo quy định của Pháp luật

1, Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;

2) Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng;

3) Dạng hợp đồng;

4) Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ;

5) Thời hạn hợp đồng;

6) Giá chuyển giao quyền sử dụng;

7) Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.

Hợp đồng li-xăng quyền sử dụng đối tượng SHCN là một trong các dạng sau:

  1. Hợp đồng độc quyền: là hợp đồng mà bên nhận chuyển quyền được độc quyền sử dụng đối tượng SHCN à bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng SHCN với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó khi được phép của bên nhận chuyển quyền.
  2. Hợp đồng không độc quyền: là hợp đồng mà bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng đối tượng SHCN, quyền ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng SHCN không độc quyền với bên khác.
  3. Hợp đồng thứ cấp: là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHCN đó theo một hợp đồng khác.

Ngoài ra, khi bàn thảo và đàm phán các điều khoản của hợp đồng li-xăng, thì 2 bên cần lưu ý rằng hợp đồng li-xăng không được có các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên nhận chuyển quyền, đặc biệt là các điều khoản như:

1) Cấm bên nhận chuyển quyền cải tiến đối tượng SHCN (trừ nhãn hiệu); buộc bên được chuyển quyền phải chuyển giao miễn phí cho bên chuyển quyền các cải tiến đối tượng SHCN do bên được chuyển quyền tạo ra hoặc quyền đăng ký SHCN, quyền SHCN đối với các cải tiến đó;

2) Trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế bên được chuyển quyền xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ được sản xuất hoặc cung cấp theo hợp đồng sử dụng đối tượng SHCN sang các vùng lãnh thổ không phải là nơi mà bên chuyển quyền nắm giữ quyền SHCN tương ứng hoặc có độc quyền nhập khẩu hàng hóa đó;

3) Buộc bên được chuyển quyền phải mua toàn bộ hoặc một tỷ lệ nhất định các nguyên liệu, linh kiện hoặc thiết bị của bên chuyển quyền hoặc của bên thứ ba do bên chuyển quyền chỉ định mà không nhằm mục đích bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do bên nhận chuyển quyền sản xuất hoặc cung cấp;

4) Cấm bên được chuyển quyền khiếu kiện về hiệu lực của quyền SHCN hoặc quyền chuyển giao của bên chuyển quyền.

Có cần đăng ký hợp đồng li-xăng tại Cục Sở hữu trí tuệ không?

Đối với các loại quyền SHCN được xác lập trên cơ sở đăng ký theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, hợp đồng li-xăng quyền sử dụng đối tượng SHCN đã có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên, nhưng nó sẽ chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi và chỉ khi hợp đồng li-xăng được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ mà thôi. Ngoài ra, hợp đồng li-xăng sẽ mặc nhiên bị mất hiệu lực nếu quyền SHCN của bên chuyển giao bị chấm dứt. Nếu quý khách hàng vẫn còn khúc mắc hay vẫn băn khoăn điều gì khi làm hợp đồng li-xăng, vui lòng tìm đến các văn phòng Luật để được làm rõ hơn. Tuy nhiên, quý khách hàng nên tìm đến văn phòng Luật đúng chuyên môn về Sở hữu trí tuệ, là những văn phòng được Cục SHTT cấp phép hoạt động có đầy đủ chuyên môn đúng chuyên ngành, đúng lĩnh vực, có uy tín và thâm niên kinh nghiệm nhất định để có thể được tư vấn một cách chính xác nhất. Bởi thị trường hiện có rất nhiều văn phòng Luật về nhiều lĩnh vực khác nhau, mỗi văn phòng đều có một lĩnh vực chuyên biệt nhất định, chưa chắc rằng văn phòng Luật mà quý khách tìm đến là đúng chuyên môn và đủ kinh nghiệm và để tư vấn đúng và xác đáng nhất. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các khách hàng nên tìm đến các văn phòng Luật là đại diện SHCN được cấp phép của Cục SHTT như đơn vị chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn và làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả và nhanh chóng nhất.

Công ty Sở hữu Trí tuệ BANCA - 15B Triệu Việt Vương, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Vui lòng nói rõ Quý công ty biết tới chúng tôi qua bài viết này khi email tới: mailbox@bancavip.com

Hotline: 0243 9433 007 / 008

Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng thông tin từ bài viết này của Banca IP Law Firm!

BANCA IP LAW FIRM - Giải pháp cho mọi vấn đề liên quan đến xác lập và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam!

Banca IP Law Firm