Giỏ hàng
Làm cách nào để chọn nhóm sản phẩm phù hợp khi đăng ký nhãn hiệu? (1)

Date: 01-06-2019 by: Banca IP Law Firm

Làm cách nào để chọn nhóm sản phẩm phù hợp khi đăng ký nhãn hiệu? (1)

Trước khi tiến hành đăng ký nhãn hiệu, ngoài việc xác định cụ thể ngành nghề kinh doanh chính cho sản phẩm/dịch vụ của mình, các doanh nghiệp còn nên cân nhắc đến việc xác định những lĩnh vực liên quan đến sản phẩm/dịch vụ có thể sẽ kinh doanh trong tương lai. Việc này là hết sức quan trọng bởi khi đã tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, chủ đơn sẽ khó có thể bổ sung thêm nhóm mà nếu muốn, chủ đơn sẽ phải tiến hành nộp một đơn đăng ký nhãn hiệu khác. Chính vì vậy, việc xác định đúng và đủ nhóm sản phẩm dịch vụ của công ty mình là bước cần làm đầu tiên rất quan trọng để tránh những tốn kém về thời gian và tiền bạc cũng như những rủi ro trong tương lai.

Hiện nay, bảng phân loại hàng hóa, dịch vụ được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) áp dụng hiện hành là Bảng danh mục các nhóm hàng hóa dịch vụ Ni xơ phiên bản thứ 11 với tất cả 45 nhóm. Mỗi nhóm sẽ có phần tiêu đề giải thích rõ hơn đặc trưng phân loại của nhóm đó. Tên của hàng hoá và dịch vụ được nêu trong tiêu đề nhóm trong Bảng danh mục các nhóm là các tên chung liên quan đến lĩnh vực mà hàng hoá và dịch vụ được phân vào đó. Cụ thể, từ nhóm 1 đến nhóm 34 là các nhóm về Sản phẩm; các nhóm còn lại từ 35 đến 45 là các nhóm về Dịch vụ. Trong mỗi một nhóm, bảng phân loại này liệt kê toàn bộ danh mục các sản phẩm và dịch vụ hết sức chi tiết và cụ thể với hàng trăm sản phẩm và dịch vụ có liên quan. Do đó, bảng danh mục theo vần chữ cái cần được tra cứu để xác định chính xác phân loại của từng sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể.

Trong trường hợp các hàng hoá, dịch vụ không được nêu trực tiếp trong Bảng phân loại này thì áp dụng hướng dẫn sau đây của Cục SHTT.

Nhằm giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng lựa chọn nhóm sản phẩm/dịch vụ phù hợp cho nhãn hiệu quý công ty dự định đăng ký, chúng tôi xin giới thiệu loạt hướng dẫn sau, trước hết là các nhóm về Sản phẩm.

Nhóm 1

Hóa chất dùng trong công nghiệp, khoa học, nhiếp ảnh, cũng như trong nông nghiệp, nghề làm vườn và lâm nghiệp;

Nhựa nhân tạo dạng thô, chất dẻo dạng thô;

Hợp phần chữa cháy và phòng cháy;

Chế phẩm dùng để tôi, ram và hàn kim loại;

Chất để thuộc da sống và da động vật;

Chất dính dùng trong công nghiệp;

Mát tít và các loại bột nhão bít kín khác;

Phân ủ, phân chuồng, phân bón;

Chế phẩm sinh học dùng trong công nghiệp và khoa học.

CHÚ THÍCH:

Nhóm 1 chủ yếu gồm các sản phẩm hoá học dùng trong công nghiệp, khoa học và nông nghiệp, bao gồm các sản phẩm hóa học dùng để chế tạo các sản phẩm thuộc các nhóm khác.

Nhóm này đặc biệt gồm cả:

- Giấy nhạy sáng / giấy ảnh;

- Hợp phần sửa chữa lốp xe;

- Muối dùng để bảo quản, trừ loại dùng cho thực phẩm;

- Một số chất phụ gia dùng trong công nghiệp thực phẩm, ví dụ, pectin, lexitin, enzim và chất bảo quản hóa học;

- Một số chất phụ gia dùng trong sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm, ví dụ, vitamin, chất bảo quản và chất chống oxi hóa;

- Một số vật liệu lọc, ví dụ, chất khoáng, chất thực vật và vật liệu gốm ở dạng hạt.

Nhóm này đặc biệt không bao gồm:

- Nhựa tự nhiên dạng thô (Nhóm 2), nhựa bán thành phẩm (Nhóm 17);

- Chế phẩm hóa học dùng cho mục đích y tế hoặc thú y (Nhóm 5);

- Chất diệt nấm, chất diệt cỏ và chế phẩm diệt động vật có hại (Nhóm 5);

- Chất dính dùng cho mục đích văn phòng hoặc gia dụng (Nhóm 16);

- Muối dùng để bảo quản thực phẩm (Nhóm 30);

- Lớp phủ bằng rơm (Nhóm 31); 

Nhóm 2

Sơn, véc-ni, sơn mài;

Chất chống rỉ và chất bảo quản gỗ;

Chất nhuộm màu, màu nhuộm;

Mực để in, đánh dấu và chạm khắc;

Nhựa tự nhiên dạng thô;

Kim loại dạng lá và dạng bột để sử dụng trong hội họa, trang trí, nghề in và nghệ thuật.

CHÚ THÍCH:

Nhóm 2 chủ yếu gồm các loại sơn, chất nhuộm màu và chế phẩm chống ăn mòn.

Nhóm này đặc biệt gồm cả:

- Sơn, véc-ni, sơn mài dùng cho công nghiệp, nghề thủ công và nghệ thuật;

- Chất pha loãng, chất làm đặc, chất hãm màu và chất làm mau khô dùng cho sơn, vecni và sơn mài;

- Chất cắn màu dùng cho gỗ và da;

- Dầu chống rỉ và dầu bảo quản gỗ;

- Màu nhuộm quần áo;

- Phẩm màu dùng cho thực phẩm và cho đồ uống.

 Trong nhóm này đặc biệt không bao gồm:

- Nhựa nhân tạo dạng thô (Nhóm 1), nhựa bán thành phẩm (Nhóm 17);

- Chất cắn màu dùng cho kim loại (Nhóm 1);

- Lơ dùng để giặt (Nhóm 3);

- Chất nhuộm màu dùng cho mỹ phẩm (Nhóm 3);

- Hộp màu (đồ dùng trong trường học) (Nhóm 16);

- Mực dùng cho mục đích văn phòng (Nhóm 16);

- Sơn và véc-ni cách điện (Nhóm 17).

Nhóm 3

Mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh không chứa thuốc;

Chế phẩm đánh răng không chứa thuốc;

Nước hoa, tinh dầu;

Chế phẩm tẩy trắng và các chất khác dùng để giặt;

Chế phẩm để tẩy rửa, đánh bóng, tẩy dầu mỡ và mài mòn.

CHÚ THÍCH:

Nhóm 3 chủ yếu gồm các chế phẩm vệ sinh không chứa thuốc, cũng như các chế phẩm làm sạch để sử dụng trong nhà và các không gian khác.

Nhóm này đặc biệt gồm cả:

- Chế phẩm vệ sinh dùng để trang điểm/vệ sinh thân thể;

- Khăn giấy được tẩm nước thơm mỹ phẩm;

- Chất khử mùi cho người hoặc động vật;

- Chế phẩm làm thơm phòng;

- Miếng dán móng tay nghệ thuật;

- Sáp đánh bóng;

- Giấy ráp.

Nhóm này đặc biệt không bao gồm:

- Các thành phần dùng trong sản xuất mỹ phẩm, ví dụ, vitamin, chất bảo quản và chất chống oxi hóa (Nhóm 1);

- Chế phẩm tẩy dầu mỡ dùng trong các quá trình sản xuất (Nhóm 1);

- Hoá chất dùng làm sạch ống khói (Nhóm 1);

- Chất khử mùi, trừ loại dùng cho người hoặc động vật (Nhóm 5);

- Dầu gội đầu, xà phòng, sữa dưỡng da và chế phẩm đánh răng có chứa thuốc (Nhóm 5);

- Giũa móng tay chân dạng tấm bìa cứng phủ bột mài, đá mài, đĩa mài (dụng cụ cầm tay) (Nhóm 8);

- Dụng cụ trang điểm và làm sạch, ví dụ, chổi trang điểm (Nhóm 21), vải, đệm và giẻ lau để làm sạch.

Xem thêm các nhóm còn lại tại đây.

Quý doanh nghiệp, cá nhân cần tư vấn cụ thể và chính xác nhóm sản phẩm và dịch vụ nào phù hợp khi tiến hành đăng ký nhãn hiệu để tránh bị từ chối hồ sơ ngay từ khâu thẩm định Hình thức gây lãng phí thời gian và tiền bạc, xin vui lòng liên hệ văn phòng Luật chúng tôi – Đại diện Sở hữu trí tuệ được cấp phép của Cục Sở hữu trí tuệ:

Công ty Sở hữu Trí tuệ BANCA - 15B Triệu Việt Vương, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Vui lòng nói rõ Quý công ty biết tới chúng tôi qua bài viết này khi email tới: mailbox@bancavip.com

Hotline: 0243 9433 007 / 008

Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng thông tin từ bài viết này của Banca IP Law Firm!

BANCA IP LAW FIRM - Giải pháp cho mọi vấn đề liên quan đến xác lập và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam!

Banca IP Law Firm