Giỏ hàng
Khi bị xâm phạm nhãn hiệu cần phải làm gì?

Date: 14-08-2018 by: Banca IP Law Firm

Khi bị xâm phạm nhãn hiệu cần phải làm gì?

Việt Nam hiện là một trong những thị trường có số lượng vi phạm về hàng giả, hàng nhái rất phức tạp. Tình trạng vi phạm xuất hiện phổ biến với quy mô và mức độ ngày càng tinh vi. Để làm ăn nghiêm túc, nhiều công ty đã đầu tư chất xám để thiết kế, sản xuất, phát triển sản phẩm và bộ nhận diện thương hiệu riêng của mình nhằm tạo sự nhận biết riêng biệt, tăng độ tin tưởng với khách hàng. Chính vì vậy, mặc dù được đánh giá là thị trường mới nổi đầy tiềm năng, hứa hẹn lợi nhuận hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng các chủ sở hữu nhãn hiệu chân chính ở Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ bị xâm phạm bất cứ lúc nào. Bài toán được đặt ra lúc này là “Khi bị xâm phạm nhãn hiệu doanh nghiệp sẽ phải làm gì?” để tạo lập được một môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh?

Xin đơn cử một vụ việc xử lý xâm phạm nhãn hiệu của tập đoàn Nestlé tại Việt Nam dưới đây để phần nào đó giúp các doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực nhận biết về pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT) nói riêng, đồng thời chuẩn bị cho mình những kịch bản và kế hoạch hành động khi gặp phải tình trạng tương tự. 

Theo phát hiện của Nestlé vào năm 2006, thị trường lưu hành rộng rãi một loại sản phẩm cà phê do Công ty TNHH Gold Roast sản xuất. Điểm đặc biệt là sản phẩm này sử dụng hình minh họa trên bao bì của họ là một tách cà phê màu đỏ, tương tự với nhãn hiệu hình cốc đỏ đang được bảo hộ của Nestlé cho nhãn hiệu Nescafe tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Hình cốc đỏ của Nestlé đã được sử dụng từ năm 1968 trở thành một đặc điểm để phân biệt với các sản phẩm cà phê khác. Qua quá trình sử dụng gần 40 năm đăng ký tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, nhãn hiệu hình cốc đỏ của Nestlé trở nên quen thuộc với người tiêu dùng ở các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, trở thành một biểu tượng cho các sản phẩm cà phê uy tín và chất lượng cao. Điều này có thể lý giải tại sao Nestlé có lý do để lo lắng rằng, bất cứ người nào sử dụng dấu hiệu “hình cốc đỏ” cho sản phẩm cà phê sẽ khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc, nhãn hiệu sản phẩm. Lo lắng này hoàn toàn có căn cứ bởi theo điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ thì hành vi này đã được coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Vì thế, việc Gold Roast sử dụng dấu hiệu hình cốc đỏ tương tự cho cùng một sản phẩm cà phê sẽ có khả năng gây nhầm lẫn cao cho người tiêu dùng và do đó, đã xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp của Nestlé.

Bao bì Gold Roast có dấu hiệu hình cốc đỏ vi phạm 

Nhận thấy nguy cơ đầy hiện hữu, Nestlé, qua đại diện pháp lý của họ tại Việt Nam là công ty Banca chúng tôi, đã đệ trình Cục Sở hữu Trí tuệ yêu cầu thẩm định và kết luận về hành vi xâm phạm của Gold Roast đối với nhãn hiệu hình cốc đỏ của Nestlé. Cục SHTT không lâu sau đó ra công văn xác nhận hành vi của họ là hành vi Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của Nestlé.

Trong một động thái khác, chúng tôi cũng đồng thời gửi thư khuyến cáo tới đơn vị vi phạm quyền yêu cầu họ tự nguyện chấm dứt các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, Gold Roast bác bỏ yêu cầu của chúng tôi vì cho rằng hình cốc đỏ của họ là cốc hình tròn, thấp, không có viền, còn cốc của Nestlé là cốc đỏ hình vuông, cao và có viền, do đó họ không thực hiện hành vi vi phạm. Ngoài ra, tên thương mại của họ cũng khác hoàn toàn so với tên nhãn hiệu Nescafe của Nestlé và do vậy, không thể chứa yếu tố gây nhầm lẫn. Để đối phó, Gold Roast đồng thời tìm cách hợp pháp hóa hành vi vi phạm của mình bằng cách tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Gold Roast Coffee Mix hình cốc đỏ.

Để giải quyết vụ việc, ngày 02/10/2007 chúng tôi buộc phải đệ trình lên Chánh Thanh tra - Bộ Khoa học & Công nghệ (Bộ KH-CN) yêu cầu xử lý xâm phạm cùng các tài liệu, chứng cớ về hành vi xâm phạm của Gold Roast Vietnam. Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ, Thanh tra Bộ KH-CN đã khẳng định hành vi của Gold Roast Vietnam là xâm phạm quyền SHTT của Nestlé và chuyển hồ sơ cho Thanh tra Sở KH-CN tỉnh Bình Dương phối hợp xử lý. Theo sự chỉ đạo của Thanh tra Bộ KH-CN, vào các ngày 12/12/2007 và 19/12/2007, Thanh tra Sở KH-CN Bình Dương đã tiến hành kiểm tra hành chính, niêm phong hàng vi phạm và lập Biên bản vi phạm hành chính về SHCN liên quan đến hành vi xâm phạm của Gold Roast Vietnam. Tại thời điểm làm việc với đoàn thanh tra, Gold Roast cũng không xuất trình được các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với nhãn hiệu này. Căn cứ vào Biên bản vi phạm hành chính trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ngày 18/01/2008 đã ra quyết định xử phạt là phạt tiền và buộc Gold Roast Vietnam phải loại bỏ ngay các yếu tố vi phạm trên sản phẩm cà phê của họ đang bày bán trên thị trường.

Trước tình hình đó, để trì hoãn việc bị xử phạt hành chính, Gold Roast Vietnam đã đệ trình hồ sơ đề nghị hủy đăng ký nhãn hiệu quốc tế của Nestlé với lý do nhãn hiệu này không có khả năng phân biệt. Sau đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra công văn bác các căn cứ và yêu cầu vô lý này của Gold Roast Vietnam, tạo tiền đề cho chúng tôi phối hợp với các cơ quan thực thi quyền SHTT có thể tiếp tục xử lý hành vi vi phạm của công ty này.

Tiếp tục theo đuổi vụ việc tới cùng, chúng tôi cũng tư vấn Nestlé phản đối việc cấp bằng cho dấu hiệu hình cốc đỏ của Gold Roast với lập luận nhãn hiệu hình cốc đỏ của Nestlé đã được sử dụng và thừa nhận một cách rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam từ trước ngày nộp đơn. Cục SHTT sau đó đã ra công văn đồng ý với đơn phản đối của công ty chúng tôi với lý do nhãn hiệu Gold Roast Coffee Mix đang nộp hoàn toàn có thể gây nhầm lẫn về cách trình bày, màu sắc, về cả nhóm sản phẩm với nhãn hiệu Nescafe của Nestlé.

Vụ việc xâm phạm nhãn hiệu cà phê nổi tiếng này của Tập đoàn Nestlé trong suốt những năm vừa qua thực sự đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều doanh nghiệp Việt chưa trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về Pháp luật SHTT nói riêng và những kiến thức về cạnh tranh nói chung để tránh cho mình vướng phải những rắc rối pháp lý sau khi bán sản phẩm ra thị trường.

Quý doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn về xử lý xâm phạm, tranh tụng nhằm bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu của mình vui lòng liên hệ với chúng tôi:


Công ty Sở hữu Trí tuệ BANCA - 15B Triệu Việt Vương, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Vui lòng ghi rõ nếu quý vị biết tới Banca qua bài viết này khi email tới: mailbox@bancavip.com

Hotline: 243 9433 007 

Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng thông tin từ bài viết này của Banca IP Law Firm!

BANCA IP LAW FIRM - Giải pháp cho mọi vấn đề liên quan đến xác lập và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam!