Giỏ hàng
Gia nhập CPTPP: Việt Nam sẽ phải thay đổi những quy định gì liên quan đến sở hữu trí tuệ ? (2)

Date: 01-02-2019 by: Banca IP Law Firm

Gia nhập CPTPP: Việt Nam sẽ phải thay đổi những quy định gì liên quan đến sở hữu trí tuệ ? (2)

(Kỳ 2: Chỉ dẫn địa lý và Sáng chế)

Tiếp nối những quy định về Sở hữu trí tuệ (SHTT) mà Việt Nam sẽ phải thay đổi theo cam kết khi gia nhập CPTPP về Nhãn hiệu và Thực thi quyền (bài 1), sau đây tiếp tục sẽ là một số nhóm cam kết đáng chú ý về SHTT trong CPTPP:

1, Chỉ dẫn địa lý

CPTPP quy định các nước được quyền lựa chọn cơ chế bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý, hoặc là theo cơ chế riêng chỉ áp dụng cho chỉ dẫn địa lý, hoặc là theo cơ chế chung với nhãn hiệu thương mại. Điều này có nghĩa là các nước như Việt Nam sẽ vẫn được tiếp tục sử dụng hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý của mình (độc lập với bảo hộ về nhãn hiệu thương mại). Đây được xem là giải pháp hợp lý với Việt Nam bởi Việt Nam đang và sẽ đồng thời có cam kết về chỉ dẫn địa lý với các đối tác sử dụng các cơ chế khác nhau (ví dụ EU bảo hộ chỉ dẫn địa lý riêng, không theo cơ chế nhãn hiệu thương mại). Tuy nhiên, dù theo cơ chế bảo hộ chỉ dẫn địa lý nào, các nước CPTPP vẫn phải tuân thủ các nghĩa vụ nhất định.

  • Bảo đảm minh bạch, cải cách trong thủ tục hành chính liên quan tới việc bảo hộ hoặc công nhận các chỉ dẫn địa lý;
  • Căn cứ để phản đối hoặc từ chối bảo hộ/công nhận một chỉ dẫn địa lý phải bao gồm các trường hợp gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu thương mại đã hoặc đang xem xét đơn đăng ký trước đó hoặc trùng với tên chung để chỉ một loại hàng hóa trong ngôn ngữ của nước thành viên đó (riêng với rượu vang/rượu mạnh thì tên trùng với một loại nho trong ngôn ngữ của nước đó);
  • Thời điểm bắt đầu bảo hộ không được sớm hơn ngày nộp đơn đăng ký hoặc ngày được đăng ký.

Về quan hệ giữa chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu, trong trường hợp có nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với một chỉ dẫn địa lý mà nhãn hiệu lại được bảo hộ trước (đã đăng ký trước hoặc đã trở nên nổi tiếng trước), mặc dù chỉ dẫn địa lý vẫn được bảo hộ nhưng quyền của chủ nhãn hiệu sẽ được ưu tiên hơn, theo hướng:

  • Chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền ngăn cấm việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó nếu việc sử dụng này có khả năng gây ra nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa;
  • Tuy nhiên, chỉ dẫn địa lý chỉ có ý nghĩa mô tả xuất xứ của hàng hóa thì được xem là ngoại lệ, vẫn được phép sử dụng song song cùng nhãn hiệu đó;
  • Không bảo hộ chỉ dẫn địa lý nếu có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu về
    nguồn gốc thương mại của hàng hóa (trừ khi việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó thuộc trường hợp ngoại lệ đối với quyền của nhãn hiệu).

2, Sáng chế

Các yêu cầu của CPTPP về thủ tục đăng ký sáng chế?

- Trường hợp có nhiều chủ thể độc lập tạo ra cùng một sáng chế thì tiêu chí áp dụng là “ai tới trước được cấp trước”;

- Phải công bố công khai các đơn đăng ký bảo hộ trong vòng 18 tháng kể từ ngày nộp đơn, bao gồm cả việc công bố chi tiết các kết quả nghiên cứu – thử nghiệm; các thông tin khác không mật mà chủ thể đăng ký đã nộp; các trích dẫn chi tiết về tuyên bố của người nộp đơn và các bên thứ ba về các nội dung bảo hộ, không bảo hộ…

- Các căn cứ để hủy, rút lại hoặc vô hiệu một bằng sáng chế đã cấp phải đồng thời là các căn cứ để từ chối cấp bằng sáng chế.

CPTPP khẳng định các ngoại lệ đối với quyền của chủ sáng chế (cho phép hạn chế quyền của chủ sở hữu sáng chế) theo Hiệp định TRIPS của WTO, bao gồm:

- Hạn chế vì lợi ích công cộng:

Các nước được hạn chế quyền độc quyền của chủ sở hữu trong một số trường hợp nhất định nếu hạn chế đó không mâu thuẫn một cách bất hợp lý với quá trình khai thác bình thường của sáng chế và không gây thiệt hại bất hợp lý cho lợi ích của chủ sở hữu, có tính đến lợi ích hợp pháp của các bên thứ ba; 

Các nước có thể cho phép các chủ thể khác sử dụng sáng chế mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu theo các điều kiện nhất định (ví dụ Nhà nước chỉ cho phép việc sử dụng này theo từng trường hợp; và nếu người xin phép trước đó đã cố gắng đàm phán với chủ sở hữu theo giá thị trường nhưng không thành công; nếu phạm vi và thời gian sử dụng không vượt quá mục tiêu được cho phép; nếu không chuyển tiếp quyền cho chủ thể khác; và chủ sở hữu phải được hưởng đền bù tính theo giá trị kinh tế…).

- Quyền sử dụng không cần xin phép chủ sở hữu:

Các nước có thể cho phép các chủ thể khác sử dụng sáng chế mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu theo các điều kiện nhất định (ví dụ Nhà nước chỉ cho phép việc sử dụng này theo từng trường hợp; và nếu người xin phép trước đó đã cố gắng đàm phán với chủ sở hữu theo giá thị trường nhưng không thành công; nếu phạm vi và thời gian sử dụng không vượt quá mục tiêu được cho phép; nếu không chuyển tiếp quyền cho chủ thể khác; và chủ sở hữu phải được hưởng đền bù tính theo giá trị kinh tế…).

Tổng hợp: Banca IP Law Firm