Giỏ hàng
Gia nhập CPTPP: Việt Nam sẽ phải thay đổi những quy định gì liên quan đến sở hữu trí tuệ ? (1)

Date: 18-01-2019 by: Banca IP Law Firm

Gia nhập CPTPP: Việt Nam sẽ phải thay đổi những quy định gì liên quan đến sở hữu trí tuệ ? (1)

(Kỳ 1: Nhãn hiệu và Vấn đề thực thi quyền)

Sau một thời gian dài đàm phán, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP cũng đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019. Theo hiệp định này, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh các quy định về Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) do hệ thống Luật SHTT của Việt Nam vẫn chưa thống nhất và được đánh giá là chưa theo kịp với hệ thống Luật tương tự của các nước thành viên. Điều này diễn ra trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam vẫn chưa phê duyệt Luật SHTT sửa đổi và Luật Chuyển giao Công nghệ vốn đã có hiệu lực từ tháng 6/2017 tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về Luật này.

1, Quy định mới về Nhãn hiệu

Theo tinh thần của Hiệp định Trips, Luật SHTT hiện nay chỉ bảo hộ đối với các nhãn hiệu nhìn thấy được. Tuy nhiên việc tham gia CPTPP từ nay sẽ có quy định không bên nào được yêu cầu nhãn hiệu phải là dạng nhìn thấy được mới được nộp đơn xin bảo hộ, cũng như cơ quan có thẩm quyền cũng không được từ chối đơn đăng ký của chủ đơn chỉ vì nhãn hiệu xin đăng ký dưới dạng âm thanh. Ngoài ra, mỗi quốc gia thành viên đều có trách nhiệm nỗ lực để tiến đến mở đăng ký cho các nhãn hiệu mùi.

Về chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, CPTPP quy định từ nay không quốc gia thành viên nào được quy định việc đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHCN là điều kiện để hợp đồng có hiệu lực, gây tốn kém chi phí cũng như thời gian cho các bên liên quan.

Như vậy, những quy định quan trọng trên trong CPTPP sẽ thay đổi căn bản thực tế đăng ký Nhãn hiệu tại Việt Nam hiện nay, và rất có thể sẽ trở thành một thách thức đối với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

2, Quy định mới về Thực thi quyền

CPTPP thiết lập một cơ chế thực thi quyền nghiêm ngặt đối với các quyền SHTT liên quan đến việc xử phạt hành chính, dân sự và hình sự.

a, CPTPP cũng mở rộng quyền tài phán cho các cơ quan có thẩm quyền siết chặt các biện pháp bảo vệ biên giới đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu hoặc quá cảnh, hàng hóa thuộc quyền kiểm soát của hải quan, hàng bị nghi ngờ là hàng giả hoặc hàng lậu.

"Luật Sở hữu Trí tuệ của Việt Nam sẽ cần thay đổi để đáp ứng các điều kiện của CPTPP và EVFTA".

Điều này được hiểu là cơ quan hải quan sẽ đóng vai trò thực thi quyền mà không cần có yêu cầu chính thức nào của bên thứ 3 hoặc chủ thể quyền. Theo yêu cầu này thì Luật SHTT của Việt Nam hiện nay đã tương đối tiệm cận gần với các quy định của CPTPP và do đó, sẽ không có sửa đổi nhiều.

b, Ngoài ra, theo CPTPP, một số hành vi xâm phạm có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, bao gồm cả các hành vi trợ giúp hoặc xóa bỏ hành vi xâm phạm (theo Điều 18.78(2)). CPTPP cũng mở rộng cơ chế quyền để giải quyết một số hành vi xâm phạm mà không cần yêu cầu chính thức hoặc văn bản yêu cầu từ bên thứ 3 hay chủ thể quyền.Tại Việt Nam, xâm phạm bản quyền, quyền liên quan và các hành vi xâm phạm SHCN đã được hình sự hóa theo Điều 225 và 226 của Luật Hình sự sửa đổi 2017.

Trong khi những quy định này hầu hết đều đáp ứng những yêu cầu của việc tham gia CPTPP, việc thiếu các hướng dẫn cụ thể về những yếu tố cấu thành tội (ví dụ xác định hành vi xâm phạm “trên quy mô thương mại”) sẽ dẫn đến những thách thức không nhỏ liên quan đến cáo trạng.

c, Và cuối cùng, Việt Nam sẽ cần sửa đổi bộ Luật Hình sự để áp dụng các biện pháp hình sự đối với các hành vi xâm phạm bí mật thương mại, một trong những yêu cầu bắt buộc của CPTPP.  

Đâu là những quy định mới về Sáng chế, Chỉ dẫn địa lý mà Luật SHTT của Việt Nam sẽ phải điều chỉnh khi gia nhập hiệp định kinh tế quan trọng này. Mời quý độc giả đón đọc kỳ thứ 2 của loạt bài này trong mục Tin tức nổi bật.

Tổng hợp: Banca IP Law Firm