Giỏ hàng
Đăng ký bảo hộ Kiểu dáng công nghiệp nhanh hơn, dễ dàng hơn với Hệ thống La Hay

Date: 14-09-2018 by: Banca IP Law Firm

Đăng ký bảo hộ Kiểu dáng công nghiệp nhanh hơn, dễ dàng hơn với Hệ thống La Hay

Một khi Việt Nam gia nhập hệ thống Lahay về đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (KDCN), nếu chủ đơn muốn được bảo hộ về KDCN tại nhiều quốc gia sẽ không còn phải nộp một lúc nhiều đơn tại từng quốc gia đơn lẻ nữa mà chỉ cần chuẩn bị một hồ sơ duy nhất nộp qua Văn phòng quốc tế của WIPO. Điều này giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí đáng kể cho doanh nghiệp hơn nhiều so với trước kia.

Giữa bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng và dựa vào tri thức như hiện nay, các doanh nghiệp ngày càng chú trọng vào việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), ở đây là kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm để có thể xúc tiến thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ tại thị trường trong nước mà còn mở rộng ra các thị trường nước ngoài. Một số công ty và các tập đoàn lớn của Việt Nam như Vingroup, FPT, Viettel hay Vinamilk,… đang vươn ra thị trường quốc tế với những chiến lược bài bản, có tham vọng và sự tính toán cẩn trọng với số lượng đơn đăng ký hàng năm lên tới hàng trăm đơn đối với KDCN.

Nắm bắt được nhu cầu cấp thiết đó, Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam mà đầu mối là Cục Sở hữu Trí tuệ thời gian gần đây đã tích cực tham gia nhiều thỏa ước, hiệp định song phương lẫn đa phương với nhiều nước về xác lập quyền SHTT như hợp tác với các Cơ quan SHTT Hàn Quốc, Nhật Bản,…, tham gia Thỏa ước & Nghị định thư Madrid, Hiệp ước hợp tác sáng chế PCT hay hệ thống La Hay lần này đều giúp đơn giản hóa thủ tục và tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi kinh doanh tại nước ngoài.

Lợi ích chính khi tham gia hệ thống Lahay đó là cho phép chủ sở hữu KDCN đăng ký bảo hộ cho các kiểu dáng công nghiệp của họ với hình thức đơn giản nhất qua việc đăng ký và gia hạn tập trung, dịch vụ một cửa cho các đơn đăng ký quốc tế, gia hạn và sửa đổi online. Về cơ bản, khi đăng ký bảo hộ KDCN qua hệ thống La Hay, việc quản lý đơn quốc tế sẽ dễ dàng và tập trung hơn với việc nộp một bộ hồ sơ duy nhất để được bảo hộ tại nhiều quốc gia (bằng một loại ngôn ngữ nhất quán) nộp qua một cơ quan (Văn phòng quốc tế của WIPO), và một lần thanh toán duy nhất một nhóm phí bằng một loại tiền tệ duy nhất là đồng CHF Thụy Sĩ và nhiều hỗ trợ khác trong việc quản lý sau đăng ký như gia hạn, sửa đổi,… Các thành viên tham gia hệ thống La Hay đều có quyền lợi như nhau khi nộp một đơn đăng ký quốc tế duy nhất với một hệ thống đăng ký quốc tế hoặc nhiều bên ký kết được chỉ định. KDCN được chỉ định và bảo hộ tại mỗi bên ký kết nếu đáp ứng điều kiện bảo hộ theo luật quốc gia của mỗi bên ký kết đó. Những rào cản trước đây như phải đăng ký qua một hình thức duy nhất tại các cơ quan SHTT của từng quốc gia riêng rẽ theo thủ tục phức tạp khác nhau của từng nước với nhiều khoản chi phí phát sinh và rủi ro giao dịch các loại tiền tệ.

Ngoài ra, trong khuôn khổ hệ thống La Hay, cơ quan SHTT được giải phóng khỏi gánh nặng và các giai đoạn như thẩm định hình thức, nhập dữ liệu, công bố đơn và cấp văn bằng bảo hộ cho chủ sở hữu bởi tất cả những việc trên đổi lại sẽ thuộc trách nhiệm của Văn phòng quốc tế của WIPO.

Hiện liên minh hệ thống Lahay thiết lập gồm có 69 quốc gia thành viên gồm Canada, Anh, Liên bang Nga, Campuchia, Triều Tiên, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Các quốc gia có tiềm năng gia nhập trong nay mai gồm có Trung Quốc, các nước Asean (trong đó có Việt Nam), Israel, Mexico, Madagascar và Belize.

Việt Nam dự kiến sẽ tham gia hệ thống La Hay trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2019.

Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng thông tin từ bài viết này của Banca IP Law Firm!