Giỏ hàng
Chỉ dẫn địa lý: Không có bảo hộ sở hữu trí tuệ, nông sản Việt khó ra khỏi “ao làng“

Date: 22-10-2018 by: Banca IP Law Firm

Chỉ dẫn địa lý: Không có bảo hộ sở hữu trí tuệ, nông sản Việt khó ra khỏi “ao làng“

Sản phẩm sau khi đạt được sự bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp các cá nhân/doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng giá trị hàng hóa lên từ 20-100%, ví dụ như Cam Cao Phong có giá bán tăng gần gấp đôi; Mật ong bạc hà Mèo Vạc giá bán tăng đến 75-80% so với trước kia, nước mắm Phú Quốc có giá tăng từ 30-50%...đều đạt được sau khi được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Có một thực trạng hiện nay là phần đa các sản phẩm xuất khẩu của nước ta đều chưa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Sản phẩm của Việt Nam muốn thâm nhập được vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu,…hầu hết đều được đóng gói dưới nhãn mác của các thương hiệu quốc gia khác. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không chú trọng bảo hộ SHTT thì sẽ không thể gia tăng giá trị cho sản phẩm và thoát khỏi “ao làng”.   

Theo đánh giá của giới chuyên gia, phần lớn các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài hiện nay đều chưa được bảo hộ SHTT. Hàng Việt, trong đó có nông sản Việt Nam nếu không chú trọng quan tâm bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình, sẽ không thể gia tăng giá trị sản phẩm và thoát khỏi "ao làng".

Lấy ví dụ một công ty xuất khẩu của Việt Nam như Công ty Phát triển nông sản và môi trường chuyên xuất khẩu các loại nông sản gia vị tươi như gừng, xả, tiêu, ớt... Thế nhưng, sản phẩm khi đến tay khách hàng quốc tế lại ở dưới dạng bao gói hoặc "sống nhờ" vào các thương hiệu quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia, Singapore... Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty Phát triển nông sản và môi trường cho biết, là một đơn vị chuyên sản xuất và xuất khẩu các loại nông sản ra nước ngoài, các doanh nghiệp nhỏ và vừa như tôi rất thiếu thông tin đối với việc bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài.

"Nguồn thông tin về bảo hộ sản phẩm hiện nay vô cùng nhiều, nhưng tiếp cận làm sao được nguồn thông tin chính thống cũng như nhận được sự hướng dẫn cụ thể, phù hợp nhất với đặc điểm, yêu cầu của công ty là rất không dễ dàng. Đăng ký bảo hộ thương hiệu trong nước đã khó, còn muốn đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài càng khó khăn hơn", ông Hiếu cho hay. Đây chỉ là một trong số ít các doanh nghiệp đã quan tâm đến vấn đề bảo hộ SHTT sản phẩm ở nước ngoài.

Vẫn thờ ơ với bảo hộ sở hữu trí tuệ

Theo PGS-TS Mai HàChủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, nền kinh tế thị trường tại Việt Nam phát triển không bài bản, dẫn đến nhận thức của người dân nói chung và doanh nghiệp nói riêng về SHTT còn hạn chế. Chiến lược về bảo hộ SHTT ở nước ngoài còn chưa rõ ràng, cụ thể.

"Bảo hộ SHTT chính là bảo vệ tài sản của mình, của doanh nghiệp. Nếu không có ý thức bảo hộ từ đầu, mất "tài sản" là lẽ tất yếu. Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa có thông tin, hoặc có thông tin nhưng lại coi nhẹ. Đáng lẽ hơn chục năm tham gia WTO, Việt Nam phải trưởng thành hơn nhiều thì nay vẫn có nhiều điều chưa làm được", PGS Mai Hà nhấn mạnh.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, do đó buộc phải chấp hành mọi thông lệ quốc tế bao gồm cả việc bảo hộ sở hữu trí tuệ.

"Những bài học đau xót về việc bị mất quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm Việt Nam ở nước ngoài như cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phan Thiết, kẹo dừa Bến Tre... không cách đây quá lâu. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp sản xuất nông sản Việt muốn phát triển bền vững, đem lại lợi ích lâu dài thì buộc phải tính tới bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình ở nước ngoài", PGS-TS Mai Hà khuyến cáo.

Không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hay không bảo hộ thương hiệu khiến sản phẩm trong nước bị giảm giá trị hoặc có xuất khẩu thì chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô, giá trị gia tăng thấp.

Thống kê của các hiệp hội sản xuất và kinh doanh sản phẩm bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong đó có bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản giúp doanh nghiệp/người dân gia tăng giá trị từ 20-100%, ví như Cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi; Mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75-80%, Nước mắm Phú Quốc tăng từ 30-50%...sau khi có bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp sản xuất nông sản Việt chủ yếu là nhỏ và vừa, nguồn lực còn hạn chế, do đó, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài nên xác định trước thị trường tiềm năng của mình. Sau đó, tìm đến sự hỗ trợ của các công ty/văn phòng Luật chuyên về SHTT, các cơ quan quản lý địa phương, các hiệp hội chuyên về sở hữu trí tuệ để được tư vấn giải pháp thích hợp nhất cho chiến lược phát triển sản phẩm của mình.

Tháng 8 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý.

Danh sách các Chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam vui lòng tham khảo tại ĐÂY.

Quy chế phối hợp được coi là cơ sở để các Bộ phối hợp, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ các chỉ dẫn địa lý, phát huy tối đa hiệu quả, giá trị của sản phẩm được bảo hộ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Việt trong bối cảnh hội nhập thị trường quốc tế./.

Theo VOV.vn

Quý doanh nghiệp cần tư vấn về sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý độc quyền tại các thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Myanmar, các nước Âu Mỹ, Nhật, Hàn,...vui lòng liên hệ với chúng tôi:

Công ty Sở hữu Trí tuệ BANCA - 15B Triệu Việt Vương, Hai Bà Trưng, Hà Nội

mailbox@bancavip.com

0243 9433 007 / 008

BANCA IP LAW FIRM - Giải pháp cho mọi vấn đề liên quan đến xác lập và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam!