Giỏ hàng
Câu chuyện lệ phí đối với các nhà sáng chế Việt Nam

Date: 08-10-2018 by: Banca IP Law Firm

Câu chuyện lệ phí đối với các nhà sáng chế Việt Nam

Chi phí cho một bằng sáng chế tại Việt Nam chỉ tính bằng dăm triệu đồng, nhưng khi ra nước ngoài số tiền bảo hộ có thể lên tới hàng triệu USD.

Sáng chế ra bộ ghế ngồi dùng để phòng ngừa và điều trị các bệnh cột sống, bác sĩ Phạm Thị Kim Loan đã nhanh chóng đi đăng ký bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho sản phẩm của mình. Nhờ đó, doanh thu của sản phẩm đã vượt mốc 100 tỷ đồng kể từ năm 2013 và vẫn tăng đều đặn tăng 150% một năm. Không chỉ thế, loại ghế cải tiến từ sáng chế này và các sản phẩm liên quan đã nhận 20 bằng độc quyền Sáng chế & Giải pháp hữu ích tại Việt Nam, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Singapore, Đài Loan; 25 bằng độc quyền Kiểu dáng Công nghiệp tại Việt Nam, Hoa Kỳ và Myanmar, 6 đơn PCT đang chỉ định vào 55 quốc gia và 60 giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

Theo bà Phạm Thị Kim Loan, chủ nhân của bằng sáng chế này: “Bằng sáng chế mang lại cho nhà sáng chế 2 ưu thế. Thứ nhất là khả năng cạnh tranh rất cao dựa trên yếu tố công nghệ, vì đã là sáng chế thì có hàm lượng công nghệ lớn. Thứ hai là khả năng khai thác thị trường nhờ vào tính độc quyền”, bác sĩ Loan chia sẻ.

Tuy nhiên, trường hợp như bác sĩ Loan vẫn còn khá hiếm vì mỗi năm, số đơn đăng ký độc quyền sáng chế quốc tế của Việt Nam thường chỉ đếm trên đầu ngón tay, như năm 2014 chỉ có 5 đơn, năm 2013 nhiều hơn thì có 12 đơn...

Bác sĩ Loan bộc bạch, để đăng ký và duy trì số bằng độc quyền tại các nước, công ty của bà phải tốn đến hàng triệu đôla. Nếu không đăng ký bảo hộ, nhà khoa học khó lòng bảo vệ tài sản trí tuệ của mình ở nước ngoài nếu không may bị đối thủ sao chép hoặc đánh cắp.

Nghiên cứu loại thuốc chiết xuất từ lá cây trinh nữ hoàng cung hỗ trợ điều trị bệnh ung thư của Tiến sĩ - Dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm cũng đã có doanh thu hơn 200 tỷ đồng và bước đầu xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, TS Trâm cho biết, để chuẩn bị thâm nhập thị trường này, bà cũng tốn chi phí không nhỏ để đăng ký các bằng độc quyền nhằm bảo vệ sản phẩm.

“Ở Mỹ, tôi đăng ký bảo hộ giống cây trồng và tốn đến 50.000 đôla. Đối với tôi thì mình còn có khả năng lo được, chứ với nhiều nhà khoa học nghèo thì làm sao họ xoay xở. Hồi khởi nghiệp tôi cũng đâu có tiền để làm, tôi đăng ký trong nước trước rồi sau này mới tính đến đi đăng ký ở nước ngoài. Thật ra, ở nước ngoài khoản chi phí này đối với người ta là bình thường, nhưng với người Việt mình nhìn chung là vẫn khá khó khăn”, bà Trâm tâm sự.

Trong khi tổng chi phí đăng ký sáng chế tại Việt Nam chỉ hơn một triệu đồng cho tất cả các khoản như: lệ phí nộp đơn, công bố đơn, thẩm định, cấp bằng, đăng bạ... thì ở nước ngoài, con số thấp nhất cũng vài nghìn đôla. Ví dụ như Mỹ, chỉ cần truy cập vào website của Cục Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO), bất kỳ ai cũng có thể theo dõi bảng lệ phí với những khoản phí rẻ nhất cũng vài trăm đôla, cao thì lên đến vài nghìn USD. Đó là chưa kể hàng nghìn USD để duy trì hiệu lực của các bằng sáng chế. Ngoài ra, các nhà sáng chế Việt Nam muốn đăng ký sáng chế tại Mỹ còn thường có xu hướng thông qua các công ty luật để hỗ trợ các thủ tục cần thiết. Do đó, họ còn phải tốn thêm một khoản phí dịch vụ không nhỏ.

Đăng ký sáng chế ở nước ngoài cho đến nay vẫn còn là câu chuyện xa vời của nhiều nhà khoa học, trước hết là vì yếu tố tiền bạc. Trong khi đó, việc đăng ký sáng chế trong nước cũng chưa được "xôm tụ", khiến cho câu chuyện ăn cắp ý tưởng lẫn nhau, hay sáng chế bị "chết yểu" là không hiếm. Ngay như TP HCM, trong suốt 5 năm, từ 2011 đến 2015, chỉ có hơn 1.000 đơn đăng ký sáng chế được nộp và chỉ có 131 bằng sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp. Con số tuy cao so với mặt bằng cả nước, nhưng theo ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ TP HCM là vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sáng tạo và công nghệ của thành phố.

Một số lý do cho tình trạng này được đưa ra là ý thức về sở hữu trí tuệ nói chung các nhà sáng chế chưa cao. Nhiều nhà sáng chế muốn đăng ký sáng chế thì lại cảm thấy thủ tục quá phức tạp và thời gian chờ cấp bằng còn dài.

“Việc đăng ký sáng chế ở Việt Nam khá thuận lợi và chi phí cũng không quá đắt vì Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang khuyến khích điều này. Tuy nhiên, thủ tục thì hơi lâu, một bằng sáng chế nộp đơn lên thì có khi tới 5 năm mới cấp, nhanh thì cũng 3-4 năm. Thời gian gần đây tôi thấy cũng có tiến bộ nhưng vẫn còn kéo dài. Tôi nghĩ nên rút ngắn xuống hơn 6 tháng thì sẽ thuận lợi hơn”, tiến sĩ Trâm nhận xét.

Theo phân tích của ông Nguyễn Việt Dũng, bằng độc quyền sáng chế là công cụ để đơn phương chiếm lĩnh thị trường. Người nắm giữ sáng chế sẽ có cơ hội khởi nghiệp, kinh doanh, tạo ra việc làm mới, tìm kiếm lợi nhuận cao nhất và qua đó tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển của mình. “Để đưa các tài sản trí tuệ nói chung và sáng chế nói riêng đi vào cuộc sống, TP HCM cam kết sẽ đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm và hoạt động khởi nghiệp sáng tạo”, ông cho biết.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Trần Văn Tùng, cần quan tâm đến các nhà sáng chế nhiều hơn để họ tiếp tục góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ phương thức nghiêng về nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị... sang giai đoạn có thể dùng các quyền sở hữu trí tuệ để kiến tạo thị trường riêng cho mình. Qua đó, thu hút đầu tư về phía mình thông qua các phương thức kinh doanh tài sản trí tuệ hiện đại như đầu tư, góp vốn bằng tài sản trí tuệ hoặc cấp bằng quyền sở hữu trí tuệ...

Quý doanh nghiệp cần tư vấn về xác lập Sáng chế và Giải pháp hữu ích tại Việt Nam vui lòng liên hệ các đại diện Sở hữu trí tuệ uy tín, có kinh nghiệm từ những ngày đầu của Luật SHTT tại Việt Nam:

Công ty Sở hữu Trí tuệ BANCA - 15B Triệu Việt Vương, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Email: mailbox@bancavip.com

Hotline: 0243 9433 007

BANCA IP LAW FIRM - Giải pháp cho mọi vấn đề liên quan đến xác lập và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam!

Theo VnExpress.vn