Giỏ hàng
Bán bánh trung thu handmade tự làm có thể bị phạt nặng

Date: 08-09-2019 by: Banca IP Law Firm

Bán bánh trung thu handmade tự làm có thể bị phạt nặng

Đã thành thông lệ, gần dịp Trung thu, nhu cầu của người tiêu dùng với các sản phẩm bánh Trung thu tăng cao, trên hầu khắp các đường phố ở các thành phố lớn tràn ngập các cửa hiệu bày bán bánh Trung thu. Bên cạnh những thương hiệu bánh nổi tiếng, trên thị trường còn xuất hiện nhiều loại bánh tự làm bán tràn lan trên thị trường thậm chí hoạt động mạnh trên các mạng xã hội, không tem mác hay gắn nhãn hàng hóa, các nguyên liệu thực phẩm đều không chứng minh đươc nguồn gốc xuất xứ,... tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và còn có thể là hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh sản phẩm bánh của các thương hiệu tên tuổi trên thị trường, ở nhiều nơi, nhất là các cửa hàng thực phẩm, tạp hóa vùng nông thôn xuất hiện các loại bánh dẻo, bánh nướng, bánh đậu xanh trôi nổi, tem nhãn mác đơn giản, ngày sản xuất, hạn sử dụng nhập nhằng, không rõ ràng. Ðây cũng là mảnh đất béo bở để các loại bánh không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác có thể thâm nhập thị trường. Ngày 16/8/2019 vừa qua, lực lượng chức năng kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại số 46, ngõ 93/47 Yên Sở, (Hoàng Mai, Hà Nội), đã thu giữ 4.440 bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước đó, vào ngày 14/8, Phòng Cảnh sát môi trường và Ðội Quản lý thị trường số 13 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cũng tiến hành kiểm tra kho hàng tại số 26 ngách 64 ngõ 99 phố Ðinh Công Hạ (Hoàng Mai) cũng thu giữ được 55 thùng bánh Trung thu không giấy tờ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nguyên nhân là do việc sản xuất các loại bánh nướng, bánh dẻo đem lại lợi nhuận rất cao, nên vào dịp Trung thu năm nào cũng xuất hiện hàng loạt các cơ sở chế biến tự sản xuất loại bánh này. Bên cạnh các cơ sở làm đúng theo quy định thì vẫn còn một số cơ sở thủ công, thậm chí đã qua mặt các cơ quan chức năng bằng cách thay đổi hình thức bán hàng, bán tràn lan trên các mạng xã hội dưới tên bánh handmade. Tình trạng sản xuất bánh Trung thu giả về nhãn mác, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, kiểu dáng công nghiệp vẫn ngang nhiên diễn ra làm đau đầu các cơ quan chức năng.

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2012/NĐ-CP, thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn đã có quy chuẩn kỹ thuật thì phải công bố hợp quy và đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Nếu chưa có thì phải công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố trước khi đưa ra thị trường. Lúc này, việc ghi nhãn hiệu của hàng hóa phải gồm các nội dung theo quy định tại Thông tư liên tịch 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT bao gồm các nội dung sau:

- Tên sản phẩm;

- Thành phần cấu tạo, định lượng sản phẩm;

- Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và hướng dẫn bảo quản, sử dụng;

- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm, xuất xứ;

- Số giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm;

- Các khuyến cáo, cảnh báo an toàn thực phẩm…khác cho người tiêu dùng

Như vậy, các sản phẩm bánh trung thu tự làm nếu không có nhãn mác, không được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền thì chỉ nên để ăn hoặc biếu tặng bạn bè, người thân còn khi muốn bán cho người khác thì bắt buộc phải đăng ký, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và có nhãn hàng hóa theo quy định.

Bán hàng không nhãn mác có thể bị phạt đến 60 triệu đồng

Bởi việc bán bánh trung thu không có nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng ra thị trường là hành vi vi phạm pháp luật nên sẽ bị các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra bất kỳ lúc nào, nếu phát hiện thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 119/2017/NĐ-CP như sau:

Giá trị hàng hóa đến 05 triệu đồng sẽ chịu mức phạt 01 – 03 triệu đồng; Giá trị hàng hóa từ trên 05 – 10 triệu đồng có mức phạt 03 – 06 triệu đồng; Từ trên 10 triệu – 20 triệu đồng phạt 06 – 10 triệu đồng; Từ trên 20 triệu – 30 triệu đồng phạt 10 – 15 triệu đồng; Từ trên 30 triệu – 50 triệu đồng phạt 15 – 25 triệu đồng; Từ trên 50 triệu – 70 triệu đồng phạt 25 – 35 triệu đồng; Từ trên 70 triệu – 100 triệu đồng phạt 35 – 50 triệu đồng; Từ trên 100 triệu đồng trở lên phạt 50 – 60 triệu đồng.

Quý doanh nghiệp, cá nhân quan tâm đến việc tuân thủ các quy định để kinh doanh lâu dài và đúng pháp luật, nghiêm túc, gây dựng thương hiệu bánh Trung thu bền vững, được người tiêu dùng nhớ đến mỗi dịp thu về thì ngoài việc thực hiện đăng ký, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, làm tem mác, nhãn hàng hóa là một công việc bắt buộc. Ngoài ra để kinh doanh lâu dài, quý doanh nghiệp, cá nhân nên sớm thực hiện thêm việc đăng ký nhãn hiệu bánh của riêng mình tại Cục Sở hữu trí tuệ (gồm chữ cái, logo, biểu tượng, khẩu hiệu hoặc kết hợp của các yếu tố...=> để được tư vấn cụ thể vui lòng email tới: mailbox@bancavip.com) để có biện pháp bảo vệ hiệu quả cao hơn, tránh trình trạng đơn vị, cá nhân khác lợi dụng uy tín thương hiệu của quý vị để trục lợi làm giả làm nhái, hoặc bắt chước nhãn mác, gây mất uy tín và nhầm lẫn về thương hiệu đối với khách hàng mục tiêu của quý vị. Việc đăng ký nhãn hiệu này sau khi đạt được còn giúp quý doanh nghiệp, cá nhận được sự bảo vệ từ các cơ quan chức năng, giúp cơ quan chức năng phát hiện các cơ sở làm nhái để xử lý, bảo vệ thương hiệu cho quý vị.Vui lòng xem thêm thủ tục đăng ký tại ĐÂY.

Tổng hợp: Banca IP Law Firm