Giỏ hàng
6 điều cần biết để phản đối một nhãn hiệu đăng ký trùng tên với sản phẩm của công ty bạn

Date: 14-04-2019 by: Banca IP Law Firm

6 điều cần biết để phản đối một nhãn hiệu đăng ký trùng tên với sản phẩm của công ty bạn

Tiến hành xác lập, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là một việc làm hết sức cần thiết để người tiêu dùng biết đến tên thương hiệu của bạn nhiều hơn và cũng tránh cho người khác sử dụng, làm nhái sản phẩm, làm suy giảm uy tín của doanh nghiệp bạn trên thị trường. Tuy nhiên, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, trên thương trường cũng không hiếm trường hợp doanh nghiệp của bạn vì không biết hoặc không có sự theo dõi thường xuyên khiến cho một doanh nghiệp đối thủ cũng đăng ký một nhãn hiệu giống, tương tự, hoặc thậm chí trùng với nhãn hiệu công ty bạn đã/đang/sắp đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT). Điều này sẽ khiến cho doanh nghiệp bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro trong tương lai nếu 2 nhãn hiệu song song cùng tồn tại. Hướng dẫn sau đây của chúng tôi sẽ giúp doanh nghiệp bạn có một cái nhìn tổng qua hơn về vấn đề này để trù bị cho mình những kiến thức cần thiết trong quá trình ra quyết định về công tác quản lý, bảo hộ tài sản SHTT quan trọng này.

1, Doanh nghiệp bạn có cơ sở nào để phản đối một nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của công ty bạn khi biết họ nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ?

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, điều 112 của Luật này quy định, người được nộp phản đối đơn sẽ là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có ý kiến về quyền đăng ký, quyền ưu tiên, điều kiện bảo hộ. Người phản đối cấp văn bằng bảo hộ phải có ý kiến bằng văn bản gửi cho Cục SHTT và phải nộp phí giải quyết phản đối đơn theo quy định. Văn bản nêu ý kiến của bên thứ ba này sẽ được coi là một nguồn thông tin cho quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (SHCN) tại Cục SHTT.

2, Đơn vị nào sẽ giải quyết đơn phản đối nhãn hiệu đăng ký trùng hoặc tương tự tên nhãn hiệu của công ty bạn?

Cục SHTT sẽ là đơn vị thụ lý xử lý phản đối đơn của bên thứ 3 trước khi đơn vị này ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ cho chủ đơn phía bên kia.

3, Khi nào được nộp đơn phản đối nhãn hiệu trùng hoặc tương tự kia?

Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến (trước) ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ cho chủ đơn phía bên kia thì bên thứ 3 có quyền nộp đơn phản đối. Trên thực tế, kể từ khi chủ đơn của nhãn hiệu phía bị phản đối kia bước vào giai đoạn được thẩm định nội dung (thông thường kéo dài khoảng 12-18 tháng), bên thứ 3 sẽ có thời gian dài hơn để chuẩn bị hồ sơ, chứng cứ, lập luận tiến hành nộp phản đối đơn. Tuy nhiên, lời khuyên của chúng tôi là doanh nghiệp bạn vẫn nên chuẩn bị và tiến hành nộp phản đối đơn càng sớm càng tốt trước thời hạn này vì theo Luật SHTT từ giai đoạn thẩm định nội dung sau đó được Cục ra thông báo dự định cấp văn bằng cho chủ đơn phía bên kia chỉ là 9 tháng.

4, Trường hợp nào doanh nghiệp bạn được tiến hành phản đối đơn?

Doanh nghiệp sẽ được quyền có ý kiến phản đối rơi vào 1 trong 3 trường hợp: một là nhãn hiệu của doanh nghiệp bạn đã được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ và vẫn đang trong thời gian được bảo hộ; hai là nhãn hiệu của doanh nghiệp chưa được Cục cấp văn bằng bảo hộ, vẫn đang trong thời kỳ thẩm định nội dung và bạn biết được doanh nghiệp đối thủ cũng tiến hành nộp đơn nhãn hiệu giống của bạn; và cuối cùng, nếu nhãn hiệu doanh nghiệp bạn là nhãn hiệu rất nổi tiếng, hoặc nổi tiếng trên toàn thế giới có đăng ký quốc tế qua WIPO nhưng chưa chỉ định vào Việt Nam tuy nhiên doanh nghiệp bạn có dự định kinh doanh tại Việt Nam và thông qua việc tra cứu nhãn hiệu, bạn phát hiện có doanh nghiệp nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trùng, giống hoặc tương tự với nhãn hiệu của doanh nghiệp bạn, khi đó nhãn hiệu này sẽ được coi là nhãn hiệu đối chứng với nhãn hiệu của doanh nghiệp bạn.

5, Những giấy tờ cần thiết để nộp phản đối đơn tại Cục SHTT gồm những gì?

Văn bản nêu các căn cứ phản đối

Tài liệu chứng minh (nếu căn cứ phản đối dựa trên nhãn hiệu nổi tiếng. Tài liệu phải đáp ứng Điều 75 Luật SHTT)

Phí lệ phí: 550k/1nhóm phản đối

Giấy uỷ quyền (cần trong trường hợp doanh nghiệp bạn ủy quyền cho một văn phòng, đại diện pháp lý thay mặt bạn tiến hành các thủ tục phản đối tại Cục SHTT).

6, Sau khi nộp đơn phản đối, những khả năng nào có thể xảy ra đối với đơn phản đối của công ty bạn?

Theo điều 6, Thông tư 16/2016/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ thì có 3 khả năng xảy ra đối với đơn phản đối:

Trường hợp 1: xét thấy ý kiến của bên thứ ba là có cơ sở, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo về ý kiến đó cho chủ đơn bên kia và ấn định thời hạn tối đa là 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để chủ đơn đó trả lời bằng văn bản. Sau khi nhận được ý kiến phản hồi của chủ đơn, nếu xét thấy cần thiết, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo về ý kiến phản hồi cho bên thứ ba (bên phản đối) và ấn định thời hạn tối đa là 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để bên thứ ba trả lời bằng văn bản về ý kiến phản hồi đó. Sau thời hạn nói trên, Cục Sở hữu trí tuệ xử lý ý kiến của chủ đơn và bên thứ ba trên cơ sở chứng cứ, lập luận do các bên cung cấp và tài liệu có trong đơn. Bên thứ ba cũng được thông báo về kết quả thẩm định đơn tương ứng.

Trường hợp 2: Trong trường hợp xét thấy ý kiến của bên thứ ba là không có cơ sở, Cục Sở hữu trí tuệ không phải thông báo về ý kiến đó cho chủ đơn phía bên kia, nhưng sẽ thông báo cho bên thứ ba về việc từ chối xem xét ý kiến và có nêu rõ lý do.

Trường hợp 3*: Trong trường hợp ý kiến của bên thứ ba liên quan đến quyền đăng ký, nếu xét thấy không thể xác định ý kiến đó là có cơ sở hay không, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ có thông báo để bên thứ ba nộp đơn khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Quý doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu tư vấn về đăng ký nhãn hiệu, thủ tục phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu của người khác vui lòng liên hệ văn phòng Luật chúng tôi – Đại diện Sở hữu trí tuệ được cấp phép của Cục Sở hữu trí tuệ:

Công ty Sở hữu Trí tuệ BANCA - 15B Triệu Việt Vương, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Vui lòng nói rõ Quý công ty biết tới chúng tôi qua bài viết này khi email tới: mailbox@bancavip.com

Hotline: 0243 9433 007 / 008

Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng thông tin từ bài viết này của Banca IP Law Firm!

BANCA IP LAW FIRM - Giải pháp cho mọi vấn đề liên quan đến xác lập và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam!

Banca IP Law Firm